Chưa rõ cơ sở?

GD&TĐ - Lương tối thiểu tháng hiện trả cho lao động chỉ là phần thực lĩnh, còn phần bị “khuất” là tiền đóng bảo hiểm xã hội, chi phí phát triển nhân lực, bảo hộ...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến là đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ nhằm bao quát các khía cạnh trong quan hệ lao động hiện nay.

Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I mức lương tối thiểu giờ 22.500 đồng/giờ; 20.000 đồng/giờ với vùng II; 17.500 đồng/giờ với vùng III và vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Mức lương này được tính theo cách dùng lương tối thiểu tháng áp dụng với từng vùng chia cho số giờ làm việc quy định trong tháng (26 ngày mỗi tháng, 8 tiếng mỗi ngày) và là mức lương thấp nhất làm cơ sở thỏa thuận đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.

Hiện nay, theo Khoản 2, Điều 91, Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ nhưng thực tế Chính phủ chỉ đưa ra mức lương tối thiểu vùng - tức chưa bao quát đến các trường hợp người lao động làm việc không trọn thời gian, linh hoạt và không ổn định, lâu dài để được áp dụng mức lương tối thiểu vùng.

Bởi vậy, với những lao động trên, việc có một mức lương tối thiểu theo giờ là cần thiết nhằm làm căn cứ thoả thuận trả lương khi làm các công việc linh hoạt về thời gian hoặc trong thời gian ngắn tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Mặt tích cực của quy định này là vậy, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiền lương tối thiểu giờ như đề xuất từ 15.600 - 22.500 đồng cho 4 vùng là thấp và chưa rõ cơ sở xác định, công thức tính cũng còn máy móc.

Cụ thể, theo một chuyên gia, lương tối thiểu giờ cao nhất 22.500 đồng thấp so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Tùy vào công việc, lao động làm theo giờ được trả lương khác nhau nhưng với những việc chân tay, giúp việc theo giờ, mức lương còn cao hơn 2 - 3 lần...

Về cách tính, theo vị chuyên gia này, bước đầu thực hiện là phù hợp, ít gây xáo trộn vì không thể có mức lương hoàn hảo, đáp ứng mong muốn của tất cả người lao động mà còn phụ thuộc vào thị trường, cung cầu, năng lực, tay nghề...

Ý kiến khác thì nhấn mạnh, lương tối thiểu giờ là “giá đỡ quyền lợi” cho lao động làm việc không trọn thời gian. Tuy nhiên, cách tính toán như đề xuất có phần đơn giản và làm cho giá trị của tiền lương tối thiểu giờ bị thấp.

Lương tối thiểu tháng hiện trả cho lao động chỉ là phần thực lĩnh, còn phần bị “khuất” là tiền đóng bảo hiểm xã hội, chi phí phát triển nhân lực, bảo hộ... Nếu tính lương tối thiểu theo giờ thì phải cộng thêm tất cả chi phí này, bởi lao động bán thời gian thường không được hưởng hết các chế độ.

Tán thành quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, cách chia cơ học như đề xuất không có nhiều ý nghĩa vì chưa đưa ra được cơ sở xác định mức lương tối thiểu giờ như cung cầu lao động, tình hình doanh nghiệp, đánh giá tác động của chính sách.

Nếu tính toán một cách máy móc là lấy lương tối thiểu tháng chia theo ngày, giờ làm việc sẽ thiệt thòi cho bộ phận lao động làm việc bán thời gian vì họ ít được hưởng phúc lợi, thậm chí không được đóng bảo hiểm xã hội...

Việc có mức lương tối thiểu theo giờ là cần thiết để làm căn cứ thoả thuận trả lương cho người lao động làm các công việc linh hoạt về thời gian, tuy nhiên, mức cụ thể như thế nào cần được tính toán hợp lý vì nhằm tránh thiệt thòi cho người lao động, đồng thời không “làm khó” doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.