Mốt dùng tiếng lóng của giới trẻ
Trong giao tiếp thường ngày, chúng ta có thể nghe tiếng lóng, nói bậy ở khắp mọi nơi. Từ ngoài đường, trên xe buýt, trên truyền hình, thậm chí trong trường học và ở lớp mẫu giáo…
Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng lóng là loại ngôn ngữ mang tính nhóm xã hội. Khi nào xã hội tồn tại các nhóm thì đương nhiên có ngôn ngữ của các nhóm đó, có cư dân mạng thì sẽ có ngôn ngữ mạng.
Trước đây, người ta cho tiếng lóng là xấu, vì đó thường là thứ ngôn ngữ mà những băng, nhóm sử dụng. Bây giờ, tiếng lóng được mở rộng đến đa số nhóm xã hội, sinh viên có tiếng lóng của sinh viên, học sinh có tiếng lóng của học sinh...
Trong xã hội hiện đại, tiếng lóng phát triển mạnh ở giới trẻ và hiện tượng này xảy ra ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam.
Như ở Mỹ, người ta gọi tiếng lóng là “ngôn ngữ đường phố”, “ngôn ngữ của giới trẻ”. Có người còn đùa rằng, ai muốn trẻ lại thì nói thật nhiều tiếng lóng.
Thanh niên Việt Nam hiện nay thích sử dụng tiếng lóng, coi nó như là một thứ mốt, có thể tạo ra một cái gì đó mang nét riêng, đặc thù của nhóm.
Hiện tượng nói bậy tràn lan khiến xã hội thêm ngổn ngang, nó như rác rưởi làm cho cộng đồng kém phần văn minh, là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực. Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen ứng xử tục tĩu, không theo khuôn thước thì sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Lối nói tục của người lớn sẽ hằn trong trí não của con trẻ, đeo đuổi chúng cho đến khi trưởng thành và có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách ứng xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách. Hơn nữa, người nói phải có người nghe, một khi có nhiều người nói tục mà những người nghe không thể hiện sự phản đối thì có nghĩa là được chấp nhận. Đó là điều thực sự nguy hiểm.
Thạc sĩ Phạm Như Ngọc, giảng viên về giao tiếp, Trường Cao đẳng Đường sắt cho biết, việc sử dụng tiếng lóng không phải hiện tượng mới trong xã hội nhưng chưa bao giờ tiếng lóng – nói bậy bị lạm dụng nhiều như hiện nay.
Với trẻ nhỏ, do chưa hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ thì việc sử dụng tiếng lóng hay nói bậy được cho là những lời nói vô hại. Nhưng đối với những đứa trẻ đã lớn, việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy khó chịu, hiệu quả giáo tiếp vì thế mà bị hạn chế rất nhiều.
Giúp trẻ “cai nghiện” tiếng lóng
Khi phát hiện trẻ sử dụng tiếng lóng hay nói bậy, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là lưu ý đến cách nói năng của bản thân. Cha mẹ cần phải thận trọng, lưu ý đến lời ăn tiếng nói của mình trước mặt con cái bởi đặc tính của trẻ là hay để ý và bắt chước người lớn.
Thường thì cha mẹ ít lưu tâm nguyên nhân này. Nhưng thực tế cho thấy, muốn con cái không nói bậy thì cha mẹ phải làm gương. Nên nhớ rằng, không thể cấm trẻ nhắc lại những từ ngữ mà chúng nghe được từ bố mẹ.
Ngoài ra, trẻ có thể bị lây nhiễm thói quen nói bậy từ trường học hay nhà trẻ. Trong trường hợp đó, cha mẹ phải trao đổi với cô giáo xem trẻ nghe những từ đó ở đâu. Khi đó, cha mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng nói bậy như thế sẽ làm tổn thương đến bạn, bạn sẽ giận và làm bạn buồn.
Đôi khi, trẻ có thể nghe thấy những câu nói bậy từ tivi hay trên mạng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến những chương trình tivi, âm nhạc, nội dung trên mạng, bạn bè của con, bởi môi trường mà con tiếp xúc ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành thói quen xấu này.
Trước khi muốn con thôi sử dụng tiếng lóng – nói bậy, cha mẹ cần tìm nguyên nhân tại sao trẻ lại phải dùng những từ như thế. Có thể do trẻ không biết bày tỏ cảm xúc bằng ngôn ngữ. Trẻ sử dụng tiếng lóng – nói bậy chỉ là vì muốn gây sự chú ý với người lớn.
Trẻ cũng có thể bắt đầu nói bậy với mục đích bắt người khác phải tôn trọng chúng. Trong những trường hợp này, cha mẹ phải bày cho con cách biểu lộ cảm xúc của mình theo cách khác. Cần tỏ rõ cho con biết cách thu hút sự chú ý kiểu đó không có tác dụng gì đến cha mẹ và việc nói bậy không hề biểu hiện sức mạnh hay quyền lực gì.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm GD trẻ Hà Đông), cha mẹ cần phải xử lý hiện tượng này với thái độ bình tĩnh, hết sức kiềm chế. Đầu tiên, nên giải thích cho con rằng trong cuộc sống, những lời hay ý đẹp sẽ mang lại niềm vui và sự thanh thản cho con người. Nhưng có những từ ngữ, những câu nói làm tổn thương, đem đến sự buồn bực cho người khác.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình cho rằng, cha mẹ nên tuân thủ nguyên tắc “khen con trước mặt mọi người, phê bình thì tránh nơi công cộng”. Trường hợp trẻ buột miệng nói bậy, cha mẹ cần nghiêm mặt nhắc nhở con là cha mẹ không muốn nghe thêm một lần nữa. Không cần giải thích cụ thể ý nghĩa của từ tiếng lóng hay từ bậy, chỉ cần nói đó là những từ không được sử dụng.
Về vấn đề này, chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đưa ra lời khuyên: Đọc sách sẽ giúp trẻ có vốn ngôn ngữ phong phú. Khi con có vốn từ đa dạng để diễn đạt sẽ hạn chế việc chúng học và sử dụng tiếng lóng – nói bậy.
Cha mẹ nên thường xuyên khuyến khích con đọc sách hoặc giúp con bổ sung vốn từ, hướng dẫn con tìm những từ ngữ, những cụm từ và cách diễn đạt theo khuôn mẫu. Hãy phân tích cho con thấy lợi ích khi con biết dùng lời hay ý đẹp để trò chuyện vì đây là yếu tố quan trọng giúp con thành công trong mọi cuộc giao tiếp.