Giúp trẻ tránh xa bạo lực: Nhìn thẳng thực tế

GD&TĐ - Hàng loạt vụ bạo lực trẻ dã man được chia sẻ trên mạng xã hội đã làm dấy lên nhiều lo ngại về cách nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay giáo dục con. Trẻ em sống trong bạo lực có nguy cơ trở thành những người suy nghĩ lệch lạc khi trưởng thành.

Cha mẹ không nên sử dụng bạo lực để dạy con. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Cha mẹ không nên sử dụng bạo lực để dạy con. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Bạo lực không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và có thể để lại những vết thương khó lành với nạn nhân.

Dư luận không khỏi xót xa xen lẫn phẫn nộ khi tin tức về việc cha mẹ bạo hành con, chồng tấn công vợ, người lớn đánh trẻ nhỏ... được đăng tải trên truyền thông.

Làm thế nào để đẩy lùi bạo lực, bạo hành từ trong gia đình đến ngoài xã hội là câu hỏi lớn cần sự chung tay không chỉ ở các cấp chính quyền mà ở ngay làng xã, phường, tổ dân phố…

“Đầy rẫy” bạo lực

Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những năm tháng đầu đời. Được sống cùng cha mẹ và những người thân, được hưởng tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất, tinh thần là quyền chính đáng của bất kỳ đứa trẻ nào.

Với tình yêu thương của gia đình, trẻ có khả năng trở thành con người đủ hiểu biết và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn cho thấy, nhiều trẻ em không được sống trong tình yêu thương của gia đình, mà thay vào đó là đòn roi.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức nào về số lượng trẻ phải sống trong bạo lực. Tuy nhiên, hậu quả gây ra với các em được coi là vô cùng rõ ràng.

Dân gian từng có câu “yêu cho roi, cho vọt”. Không ít phụ huynh "vin" vào câu nói này và cho mình quyền đánh đập, hành hạ con.

"Khi đang buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, họ đánh. Khi có những điều không vui vì các mối quan hệ xã hội, họ đánh. Những cú đấm, cái tát đã xảy ra thường xuyên trong gia đình và được coi là hợp pháp. Chỉ có những vụ việc nghiêm trọng gây thương tật hoặc làm chết trẻ thì mới bị luật pháp trừng trị.

Tuy nhiên, không phải lúc nào luật pháp cũng xử đúng người, đúng tội. Thậm chí trong nhiều trường hợp, kẻ phạm tội chỉ bị phạt rất nhẹ”, PGS.TS Lê Thị Quý - một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Giới, Gia đình từng chia sẻ.

Dư luận không ít lần xót xa xen lẫn phẫn nộ khi những tin tức về việc cha mẹ bạo hành con, chồng tấn công vợ, người lớn đánh trẻ nhỏ... được đăng tải.

Mới đây, đoạn clip dài 4 phút được chia sẻ "rầm rộ" trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông tại Sóc Trăng liên tục đuổi theo và đánh đập bé gái. Dù cháu bé nhiều lần chạy trốn, nhưng gã đàn ông vẫn tìm cách đánh.

Nhẫn tâm nhất là cảnh bé gái bị trói vào gốc cột nhà và hứng chịu những đòn roi dã man. Điều gây phẫn nộ nhất chính là, hai nhân vật trong đoạn video có quan hệ cha - con.

Đầu tháng 9, người dân Bắc Ninh đã xôn xao khi chứng kiến trường hợp cha đánh đập con để lại thương tích nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều lần, hàng xóm và người thân của trẻ không dám báo công an vì bị đe dọa. Sau khi vụ việc "vỡ lở", các bác sĩ phát hiện, nạn nhân nữ 6 tuổi này đã bị cha ruột đánh đập suốt nhiều ngày, để lại hàng loạt thương tích, bao gồm cả gãy xương tay.

Không chỉ ở nhà, trẻ em cũng là nhóm người dễ bị tổn thương khi ở trường. Ngày 1/10 qua, clip được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông ngang nhiên đánh đập trẻ mầm non trước mặt giáo viên.

Vụ việc xảy ra vào ngày 30/9 tại Trường Mầm non Trump Kids (Lào Cai). Theo bản giải trình của trường, trong khi giành đồ chơi, bé P.T.B.A. (2 tuổi) đã cắn vào tay bé H.C.T. (2 tuổi).

Khi Hoàng Văn Hùng - bố bé T., đến đón con, thấy con khóc, người này hỏi 2 giáo viên có mặt tại lớp về nguyên nhân. Sau đó, nam phụ huynh này bắt đầu đánh, giật tóc, tét vào đùi B.A, khiến cháu bé khóc lóc và hoảng sợ.

Hoạt động trải nghiệm ngoài trường học giúp HS gắn kết hơn trong cuộc sống. Ảnh minh họa.
Hoạt động trải nghiệm ngoài trường học giúp HS gắn kết hơn trong cuộc sống. Ảnh minh họa.

Vấn đề được quan tâm

Trong những năm gần đây, bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em ngày càng được quan tâm. Thậm chí, không ít công trình nghiên cứu về vấn đề này ra đời.

Tại Việt Nam, từ năm 1994, PGS.TS Lê Thị Quý đã in bài viết đầu tiên về “Bạo lực gia đình ở Việt Nam” trên Tạp chí Khoa học và Phụ nữ. Trong đó, tác giả xác định một số nguyên nhân chính của bạo lực gia đình là: Kinh tế; Nhận thức; Văn hóa - xã hội, Sức khỏe.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp bạo lực với phụ nữ, nguyên nhân lớn và sâu xa nhất được cho là xuất phát từ sự bất bình đẳng trong quan hệ giới.

Năm 1996, trong tác phẩm “Nỗi đau thời đại”, PGS.TS Lê Thị Quý đã đi sâu phân tích về bạo lực gia đình dưới 2 dạng: Không nhìn thấy được và nhìn thấy được (hay còn gọi là bạo lực trực tiếp và gián tiếp). Là một sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình hiện đại, hai dạng bạo lực trên, ở nơi này thể hiện trong mối quan hệ khăng khít, ở nơi khác lại được thể hiện trong sự độc lập, tách biệt lẫn nhau.

Năm 1999, công trình nghiên cứu “Bạo lực trên cơ sở giới” của Vũ Mạnh Lợi, Vũ Tuấn Huy, Nguyễn Hữu Minh được tiến hành ở 3 thành phố là Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác giả đã đi sâu xem xét “Thái độ của cộng đồng và các thể chế xã hội về bạo lực trên cơ sở giới, cũng như phản ứng của cá nhân, luật pháp và thể chế với nạn bạo lực trong gia đình”.

Ngoài ra, có thể kể đến công trình nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ yếu xoay quanh việc tìm hiểu về thực trang, diễn tiến, nguyên nhân đối với bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội về đánh giá các nguyên nhân gây ra hành vi ứng xử không phù hợp của người dân nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho thấy: Nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn yếu (chiếm 76,4%); Công tác giáo dục, định hướng hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm (64,9%);

Do thói quen lối sống (61,8%); Các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu (61,3%); Chưa có bộ quy tắc ứng xử cho người dân ở nơi công cộng (60,2%); Các giá trị đạo đức truyền thống bị xem nhẹ (59,2%); Việc xử lý, xử phạt người dân vi phạm còn chưa nghiêm (58,1%)…

Đây là các vấn nạn đã và đang tồn tại trong xã hội. Chúng góp phần khiến xu hướng bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn, dễ khởi phát hơn, thậm chí là để lại hậu quả nặng nề hơn.

Bởi lẽ, hành vi bạo lực không chỉ gây tổn hại về thân thể, mà còn để lại những vết thương sâu sắc đối với tinh thần, tình cảm của nạn nhân. Trong đó, nguyên nhân từ nhận thức, tâm lý, lối sống của cá nhân có lẽ là các yêu tố quan trọng hơn cả. Bởi, cách hành xử của mỗi người đều chịu sự chi phối từ nhận thức, tư duy, trình độ, tình cảm.

Trẻ sẽ trở thành người có ích cho xã hội khi được sống trong môi trường đầy tình thương. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Trẻ sẽ trở thành người có ích cho xã hội khi được sống trong môi trường đầy tình thương. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Để trẻ không chống đối

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, trẻ em cũng có những sợ hãi như người lớn. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng có thể mô tả được sự sợ hãi đó.

Cụ thể, khi 8 tháng tuổi, có thể trẻ thường thét lên khi thấy người lạ hoặc nếu chứng kiến mẹ đi khỏi tầm mắt. Từ 1 - 3 tuổi, nỗi khiếp sợ của trẻ xảy ra chủ yếu khi ở trong phòng một mình và trong bóng tối. Từ 2 - 5 tuổi, trẻ có những sợ hãi về nguy hiểm thực tế hơn, như gia súc, giông bão, ánh chớp, nước, lửa...

Giữa 4 - 7 tuổi, những lo lắng này tăng lên mang tính chất xã hội như sợ phải đến trường, sợ cô giáo, sợ những đứa trẻ khác và môi trường mới mà trẻ phải làm quen. Khoảng 6 - 11 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển những ưu tư gần như của người lớn.

Một số điều tra xã hội học ở Mỹ cho thấy, 80% phạm nhân Mỹ lớn lên trong những gia đình có bố mẹ thường xuyên đánh đập, cãi vã. 63% nam thiếu niên phạm tội giết người là do ra tay với kẻ đã đánh đập mẹ mình. Trong khi đó, có khoảng 50% trường hợp các cô gái bị chồng đánh, tương tự như hoàn cảnh của cha mẹ họ.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên - người sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty Bạn của bé, trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối.

Đặc biệt, trẻ sẽ có xu hướng phát triển một cách lệch lạc và trở thành người ưa bạo lực khi trưởng thành. Vì vậy, chuyên gia này nhấn mạnh, ngay cả khi kỷ luật con, cha mẹ cũng tuyệt đối không nạt nộ và đánh đập trẻ.

"Bị đánh không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, hay học làm chủ hành vi tốt hơn, mà sẽ "dạy" trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị "tóm" khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà chúng bị phạt. Trẻ sẽ cư xử vì sợ hãi thay vì muốn hành động đúng", Thạc sĩ Liên chia sẻ.

Do đó, cha mẹ được khuyến khích làm gương và ghi nhớ nguyên tắc khen tốt hơn chê. Trong trường hợp trẻ đánh em, nếu cha mẹ nói “Con hư quá!”, trẻ sẽ nghĩ mình “hư” nên hư luôn.

Ngược lại, nếu cha mẹ nói: “Em lại bị đánh nữa rồi!”, trẻ sẽ nhận thấy trách nhiệm của mình. Vì vậy, theo bà Liên, cha mẹ chỉ nên chê “hành động” và không nên chê “con người”. Khi hành xử như vậy, cha mẹ sẽ cùng “phe” với con để chống lại hành vi xấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.