Chùa Cầu nằm trong quần thể di tích phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới, trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của dư luận cả nước trong những ngày qua kể từ khi hoàn thành việc trùng tu và chuẩn bị mở cửa đón khách.
Có quá nhiều luồng dư luận chung quanh việc trùng tu này: Ủng hộ có, chê bai có, bài xích có, thậm chí “phủi sạch trơn” những nỗ lực của chính quyền địa phương, các chuyên gia và những người trực tiếp thực hiện công việc trùng tu.
Nằm ở cuối sông Thu Bồn, Hội An trở thành cái túi nước của cả vùng đồng bằng bắc Quảng Nam nên hễ mưa lớn là “ngập phố cổ”, trong đó có Chùa Cầu. Vì vậy, Chùa Cầu không biết đã trải qua bao nhiêu trận bão và lũ, đã phải bao lần ngâm mình trong nước suốt 400 năm qua.
Nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt như vậy nên Chùa Cầu luôn luôn đứng trước nguy cơ sụp đổ mỗi mùa mưa bão đến. Thời còn làm Chủ tịch rồi Bí thư TP Hội An, ông Nguyễn Sự luôn canh cánh bên lòng trước nguy cơ này. Ông đã nhờ nhiều chuyên gia am tường về việc trùng tu di tích tư vấn làm thế nào để “cứu” Chùa Cầu trước khi quá muộn.
Thậm chí ông Sự còn rước cả “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy về Hội An để tìm cách “nâng” móng Chùa Cầu lên nhằm hạn chế ngập lũ. Tất cả những nỗ lực của người đứng đầu TP Hội An khi ấy đều không thành. Cho mãi đến cuối năm 2022, tâm nguyện “trùng tu Chùa Cầu” mới thành hiện thực.
Trùng tu một di tích đặc biệt như Chùa Cầu không đơn giản là đập phá rồi xây lại. Suốt 6 lần trùng tu trước đó, Chùa Cầu vẫn luôn bấp bênh sụp đổ. Vì rằng, các lần đó, phương án được áp dụng là “trùng tu từng phần”, nôm na là “nóng đâu phủi đó”.
Vì vậy, cái mới (phần trùng tu) chưa kịp “hòa đồng” với cái cũ (phần chưa trùng tu) thì cái cũ đã… xuống cấp, kéo theo nó là cả một công trình kiến trúc xuống cấp theo. Đợt trùng tu lần thứ 7 này là giải hạ toàn bộ Chùa Cầu.
Những chuyên gia đầu ngành về trùng tu di tích, có cả những kiến trúc sư người Nhật “quen việc” trùng tu những công trình hàng trăm năm đã bị xuống cấp, đã được mời về Hội An để bàn thảo, tìm phương án tốt nhất cho việc trùng tu Chùa Cầu.
Cẩn trọng và khoa học, việc “trùng tu giải hạ” Chùa Cầu được ghi chép, đánh số tỉ mẩn từng viên gạch, từng miếng ngói, từng cây cột… Phần nào hư thì tu bổ phần đó, thậm chí còn đánh dấu phần trùng tu để đời sau biết rằng cây cột này ở phần trên là “mới” còn phần dưới là “nguyên bản”.
Dở ra rồi ráp lại, thay thế những phần đã hỏng thì đương nhiên phải “mới” cái phần thay thế chứ không thể khác hơn. Không thể đáp ứng yêu cầu của một số người cho rằng, trùng tu nhưng phải… cũ như trước đây.
Có người hiểu biết, họ góp ý những phần “chưa được” đã đành, người không am tường về trùng tu cũng nhảy vào bài xích, rằng “cụ Chùa Cầu” giờ thành “anh thanh niên” sau khi giải hạ rồi làm lại; rằng số tiền 20 tỷ đồng mà trùng tu như thế thì không tương xứng…
Khen chê là chuyện bình thường, nhất là đối với một di tích đặc biệt như Chùa Cầu. Nói như ông Nguyễn Sự: “Chính quyền nên cảm ơn và tiếp thu mọi ý kiến của người dân vì yêu Chùa Cầu, yêu Hội An nên họ mới… ý kiến. Có điều làm như thế nào thì phải tuân thủ theo thiết kế của các chuyên gia am tường về trùng tu di tích”.
Có lẽ đây là ý kiến xác đáng nhất khi nói về việc trùng tu Chùa Cầu trong những ngày qua.