Đừng vội chê trùng tu chùa Cầu

GD&TĐ - Thật mừng vui khi Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Chùa Cầu sau gần 2 năm tu bổ sắp 'trở lại' đón du khách khi đến Hội An, dự kiến từ đầu tháng 8.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thật mừng vui khi Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Chùa Cầu sau gần 2 năm tu bổ sắp “trở lại” đón du khách khi đến Hội An, dự kiến từ đầu tháng 8. Cũng bởi, kể từ khi hội thảo đánh giá hiện trạng xuống cấp trầm trọng của cây cầu cho đến việc xúc tiến nguồn vốn rồi thi công cũng gần 10 năm trôi qua mới thu được kết quả mong đợi từ lâu này.

Qua thông tin từ chủ đầu tư Dự án tu bổ Chùa Cầu - UBND TP Hội An - về sự cẩn trọng và kỹ lưỡng từ việc hạ giải đến lập hồ sơ rồi lắng nghe ý kiến chuyên gia cũng như số tiền đầu tư ra tấm, ra món: Hơn 20 tỷ đồng, thì giờ có thể tạm đặt niềm tin rằng, di tích khoảng 400 tuổi này tiếp tục vững bền với thời gian và tiếp tục là một trong những thỏi “nam châm” quan trọng hút khách đến với Hội An thưởng lãm, trải nghiệm…

Thế nhưng, ngay khi Chùa Cầu được tu bổ lộ diện, không ít người, nhất là với du khách từng đến với Hội An lại tỏ ý thất vọng vì sự lạ lẫm trước một di tích mấy trăm tuổi nhưng nay diện tấm áo quá trẻ trung, sáng sủa, nhất là phần mái.

UBND TP Hội An đã thông tin, màu sắc mái “được phục hồi dựa theo một số vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng kết hợp với kết quả nghiên cứu các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm”, tất nhiên “dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra…”.

Dẫu vậy, có du khách vẫn một mực rằng, việc diện áo mang màu sắc cổ kính gần với phiên bản cũ có thể thực hiện ngay trong quá trình tu bổ chứ không cần phải chờ thêm vài năm nữa. Còn nếu như mang diện mạo khác như hiện nay rồi chờ nắng mưa nhuộm màu thì không thể gọi là tu bổ mà nên gọi là cải tạo mới theo hình dạng cũ.

Có thể thấy, phản ứng của họ khi tiếp nhận một Chùa Cầu mới mẻ hơn cũng có cái lý từ tâm lý đến Hội An để chiêm ngưỡng và trở về với ký ức xưa cũ được thể hiện qua sắc màu trầm mặc, rêu phong hiện diện ở từng ngôi nhà đến Chùa Cầu cổ kính.

Tuy nhiên, vì quá chú ý đến màu sắc mà vội vã phủ nhận những nỗ lực của Hội An trong việc gìn giữ một di sản có nguy cơ sập nếu không được hạ giải và tu bổ toàn phần như Chùa Cầu là chưa thỏa đáng.

Cùng với đó, theo các chuyên gia, nỗ lực này được thực hiện một cách bài bản, khoa học, cẩn trọng để đem đến cho Chùa Cầu vững chắc hơn cùng sức sống bền lâu khi không hề làm mất đi những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm...

Vậy nên, việc quan tâm, góp ý dự án trùng tu di tích là cần thiết nhưng cần xác đáng từ bằng chứng khách quan cùng thái độ bình tĩnh lắng nghe, chia sẻ, xây dựng và tránh đem sự quen mắt đầy cảm tính để phán xét, chê trách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ