Toàn cảnh Hội nghị |
Cùng với hệ thống các cơ sở GD ĐH công lập, các trường ĐH, CĐ NCL trong 20 năm qua đã góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận GD ĐH, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đồng thời đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Văn Học – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Cùng dự với Bộ trưởng có các Thứ trưởng: Bùi Văn Ga, Trần Quang Quý, Phạm Mạnh Hùng và đại diện các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT).
Về phía Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân cùng đại diện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Tham dự hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện UBND thành phố Hà Nội; UBND thành phố Hồ Chí Minh; Đảng ủy khối các trường ĐH tại Tp Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh...
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập với các nội dung: Thực trạng 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập; Phương hướng và giải pháp phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đến năm 2020.
Báo cáo tổng kết: Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được xây dựng và phát triển trong 20 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về XHH giáo dục. Vai trò của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập dần được khẳng định là bộ phận quan trọng, không tách rời của hệ thống các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Đó là thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam.
Những thành công hay hạn chế của giáo dục đại học NCL đều có ảnh hưởng lớn đến giáo dục ĐH nói chung và là mối quan tâm của toàn xã hội.
Phát huy hơn nữa hiệu quả tích cực của mô hình giáo dục ĐH ngoài công lập cũng là một trong những việc làm thiết thực thể hiện tinh thần đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT mà Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đã đề ra, là trách nhiệm của ngành GD, các ngành, các cấp hữu quan và của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Những đóng góp tâm huyết
Vấn đề đặt ra không phải là làm thế nào để các trường tồn tại, mà phải tìm được nút thắt có tính chất quyết định, để giúp cơ quan quản lý, giúp các trường đổi mới chính sách, cùng đó, tự các trường có thể làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Trường Đại học Phú Xuân kiến nghị cần có chính sách vay ưu đãi cho các trường ngoài công lập; không nên coi các trường ngoài công lập là một doanh nghiệp và nếu là doanh nghiệp nên coi đó là một doanh nghiệp đặc biệt.
GS Cao Văn Phường - Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương cho rằng các trường công lập hay ngoài công lập đều là trường của Nhà nước, có cùng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Vì vậy Nhà nước nên công bằng trong đầu tư phát triển ngành nghề, những nơi nào trường công hay trường tư nếu có nhiều chuyên gia có trình độ ở lĩnh vực nào thì Nhà nước có nhu cầu đào tạo cán bộ hãy ký hợp đồng với trường đó và giao cho họ nhiệm vụ đào tạo thông qua hợp đồng.
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng bày tỏ sự đồng tình với phân tích trong báo cáo của Bộ GD&ĐT, đó là: Phần lớn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chưa khẳng định được vị thế của mình nên gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, không thu hút được những học sinh tốt vào học tại trường.
Đồng thời, GS Nghị đề xuất trong hệ thống giáo dục Việt Nam nên cho phép tồn tại 3 mô hình ĐH: Đại học công lập: Hoạt động trên cơ sở được Nhà nước đầu tư toàn bộ phục vụ cho phúc lợi xã hội, phúc lợi cộng đồng; Đại học dân lập: Hoạt động không vì lợi nhuận mà vì giáo dục, sở hữu của trường là sở hữu của tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên; Đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận: Vốn hoạt động do cá nhân đầu tư, sở hữu cá nhân.
PGS Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Tp HCM nhất trí cao với báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT. Theo ông, mỗi đơn vị đều có quyền tự chủ hoàn toàn trong mô hình của mình, sự phân biệt ở đây nằm ở quan niệm, suy nghĩ của xã hội. Người dân, xã hội luôn có sự lựa chọn sáng suốt.
“Chúng ta nói hiện việc tuyển sinh ở các trường NCL khó khăn, tuy nhiên thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng sinh viên các trường ngoài công lập chiếm tới 14%, như vậy, so với quy mô của các trường NCL, con số này về tổng thể tuyển sinh chưa phải là vấn đề lớn. Có thể tuyển sinh khó khăn nằm ở một số đơn vị chứ không nằm trong hệ thống” – PGS Hồ Đắc Lộc khẳng định.
GS Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình nêu lên thách thức, vướng mắc của các trường ĐH NCL hiện nay, trong đó có khó khăn không chỉ trong lĩnh vực xây trường mà trong tất cả các lĩnh vực xây dựng khác, từ thỏa thuận cấp đất cho đến lúc giải phóng được mặt bằng là một thời gian không xác định trước được.
Việc có đất hay không có đất, việc có thể triển khai xây dựng hay không thể triển khai xây dựng theo đúng tiến độ của đề án khả thi không chỉ phụ thuộc vào nhà đầu tư mà trước hết phải được chính quyền các cấp cho phép. Tức là chính quyền địa phương cần chịu đồng trách nhiệm với nhà trường trong việc thực hiện đề án – GS Vận kiến nghị.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận Hội nghị |
Thành công của giáo dục ĐH ngoài công lập là thành công của toàn Ngành, của Bộ GD&ĐT và là minh chứng cho sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Nếu chệch choạc, đổ vỡ là trách nhiệm của Ngành, không hề có chuyện “con đẻ - con nuôi”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được nhận Bằng khen của Bộ trưởng;
Theo Bộ trưởng, những đóng góp đó không chỉ góp phần củng cố, nâng cao uy tín, hình ảnh của các trường mà còn nâng cao hình ảnh các trường ngoài công lập, hình ảnh nền giáo dục ĐH Việt Nam nói chung.
Nghiêm túc tiếp thu tất cả những đóng góp chân tình, chí lý, cụ thể, sinh động tại Hội nghị, nhưng Bộ trưởng cũng lưu ý đó chỉ là một mặt của vấn đề; còn những khía cạnh khác thuộc về các cơ quan quản lý.
Riêng vấn đề chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục, Bộ trưởng khẳng định: Không phải các trường ngoài công lập đứng chơ vơ, bởi trong 8 năm đã có một số trường thực hiện việc chuyển đổi thành công. Còn lại một số trường không chuyển được - vướng mắc chủ yếu do phân chia tài sản và những xung đột khó thỏa hiệp.
“Các trường có lịch sử hình thành rất khác nhau, để có một cái áo vừa cho tất cả thật không dễ. Phải đặt câu hỏi: Vì sao cũng với quy định ấy có trường làm được, có trường không?
Nên về phía các trường, các cấp ủy, HĐQT, Ban Giám hiệu cũng cần phải nhanh chóng đạt đến sự thống nhất, đồng thuận, lấy lợi ích lâu dài bền vững của nhà trường, lấy uy tín và chất lượng của nhà trường đặt lên trên, gác lại các bất đồng khác mới có thể giải quyết được” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.
Hiện kể cả trường công và trường tư, có lãnh đạo chưa bao giờ đứng trên bục giảng, Bộ trưởng cho rằng, đó là một thực tế vô cùng khó khăn. Bởi vậy mà có những sai sót, vi phạm nghiêm trọng dù không cố ý.
Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho các trường. “Bộ GD&ĐT sẽ có những tính toán và bàn bạc với Hiệp hội về việc này” – Bộ trưởng cho biết.
Nói riêng về Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, theo Bộ trưởng, đây là việc làm rất bổ ích và bày tỏ mong muốn những cuộc gặp như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các Vụ, cục nâng cao nhận thức chính trị, nắm chắc nhận thức về trường ngoài công lập, đặc biệt là trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong giáo dục và y tế”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các trường ngoài công lập chủ động phản ảnh, góp ý, phê bình, phản biện với tinh thần cởi mở, không nên để tồn đọng, suy diễn. Với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Bộ trưởng mong muốn hai bên sẽ hết sức chân thành, cởi mở trên tinh thần tin tưởng, đấu tranh, phê bình trực tiếp để sự phối hợp trong công việc ngày càng tốt đẹp.