20 năm phát triển giáo dục đại học NCL - Nhận diện khó khăn, thách thức

GD&TĐ - Giáo dục đại học NCL ở nước ta là mô hình còn mới mẻ nên dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng trong quá trình phát triển cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức và không tránh khỏi những hạn chế nhất định.

Giờ học của sinh viên Trường Đại học FPT. Ảnh: Việt Dũng
Giờ học của sinh viên Trường Đại học FPT. Ảnh: Việt Dũng
Những khó khăn khách quan

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học NCL vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo đủ cơ chế pháp lý cho việc thực hiện tốt chủ trương XHH GD - ĐT

Về cơ chế, chính sách, tuy chủ trương phát triển giáo dục đại học NCL đã được thể chế bằng nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho hệ thống đại học, cao đẳng NCL phát triển với số lượng và quy mô như hiện nay, nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học NCL vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo đủ cơ chế pháp lý cho việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo.

Các văn bản quy định về chuyển đổi mô hình đại học dân lập sang mô hình  đại học tư thục chưa tính hết các loại giá trị vốn góp ban đầu nên khó triển khai trong thực tế. Quy định về sở hữu, xác định tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận trong giáo dục đại học NCL qua một thời gian dài vẫn chưa cụ thể, chưa được định lượng rõ…

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục quy định Hội đồng quản trị có những quyền hạn khá lớn trong việc quyết định hướng phát triển của nhà trường làm cho vai trò và trách nhiệm của Hiệu trưởng, của Hội đồng khoa học và đào tạo trở nên mờ nhạt và thụ động trong cả công tác chuyên môn. 

Chủ trương cho vay vốn ưu đãi, giao đất sạch cho các trường NCL gặp nhiều khó khăn và gần như không được thực hiện ở các thành phố lớn, nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng nhưng quỹ đất sạch và ngân sách dành cho việc giải phóng mặt bằng hạn chế.

Gần đây, một số địa phương, nhà tuyển dụng lao động đưa ra một số tiêu chí bất lợi, không công bằng cho SV tốt nghiệp các trường NCL khiến việc thu hút người học vào các trường này càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, Nhà nước chậm ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính đối với sinh viên các trường NCL trong điều kiện học phí tại các trường này cao hơn so với mức áp dụng trong trường công lập (được nhà nước hỗ trợ một phần) là khó khăn cho các trường trong tuyển sinh...

Về tâm lý xã hội, hiện trong nhận thức chung của xã hội, các trường NCL vẫn chưa được coi trọng, chưa được đánh giá một cách công bằng. Người dân vẫn có tâm lý ”chuộng” trường công có bề dày phát triển, được nhà nước đầu tư và hỗ trợ chi phí đào tạo. 

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các trường NCL còn non trẻ. Bên cạnh một số trường đã có thương hiệu, phần lớn các trường đại học, cao đẳng NCL chưa khẳng định được vị thế của mình nên gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, không thu hút được những học sinh tốt vào học tại trường. 

Gần đây, một số địa phương, một số nhà tuyển dụng lao động đưa ra một số tiêu chí bất lợi, không công bằng cho sinh viên tốt nghiệp các trường NCL khiến cho việc thu hút người học vào các trường này càng trở nên khó khăn hơn. 

Nhìn thẳng 5 hạn chế nội tại

Trong những năm qua, mặc dù các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có rất nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển những vẫn còn một số mặt hạn chế.

Số lượng trường,  qui mô đào tạo tăng nhanh nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng.

Chất lượng đào tạo ở một số trường NCL chưa được xã hội đánh giá cao, ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Quy mô đào tạo ở một số trường tăng nhanh, đội ngũ giảng viên cơ hữu còn mỏng, nhiều giảng viên cao tuổi và giảng viên trẻ mới tốt nghiệp, trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế khiến cho uy tín đào tạo của trường bị giảm sút. 

Tỷ lệ sinh viên/ giảng viên cơ hữu ở nhiều trường còn cao hơn quy định. Đội ngũ cán bộ quản lý thiếu chuyên nghiệp, phần lớn tuổi đã cao, thiếu đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực. 

Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Do đó, chất lượng đào tạo ở một số trường NCL chưa được xã hội đánh giá cao, ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Mới quan tâm phát triển đào tạo, chưa đầu tư đồng bộ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Nhiều trường chưa có quy định chế độ khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học; số lượng các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị của giảng viên không nhiều và còn mang tính hình thức, chưa có tác dụng nâng cao trình độ của giảng viên và chưa phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường. 

Số lượng công trình khoa học đã công bố, số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp do trường NCL thực hiện đều ít hơn so với mặt bằng chung của toàn hệ thống. 

Mặc dù trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có chính sách khuyến khích trường NCL tham gia đăng ký thực hiện đề tài khoa học cấp bộ nhằm huy động thêm nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho đào tạo nhưng vẫn rất ít trường đăng ký.

Mô hình quản lý, quản trị đại học chưa rõ ràng, minh bạch.

Mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và ban giám hiệu chưa rõ ràng.

Ở nhiều trường đại học, cao đẳng NCL, Hiệu trưởng không có thực quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị quán xuyến tất cả công việc, quyết định mọi hoạt động, kể cả hoạt động chuyên môn của nhà trường; 

Bên cạnh đó, vai trò của Hội đồng khoa học và đào tạo chưa được phát huy, làm cho mục tiêu hoạt động của nhà trường bị lệch lạc.

Vấn đề mâu thuẫn nội bộ trong nhà trường.

15 trường đại học dân lập chưa thực hiện được việc chuyển đổi cơ chế hoạt động từ dân lập sang tư thục theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Một số trường đại học, cao đẳng NCL còn để xảy ra mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động bình thường của nhà trường, dẫn đến nhiều trường bị dừng tuyển sinh, 15 trường đại học dân lập chưa thực hiện được việc chuyển đổi cơ chế hoạt động từ dân lập sang tư thục theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… 

Tình trạng mâu thuẫn đó còn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người học, môi trường sư phạm, công tác đào tạo, hình ảnh và uy tín của khối trường NCL, đặc biệt ảnh hưởng tới việc chọn trường của người học.

Không ít trường còn vi phạm quy chế tuyển sinh và đào tạo, không thực hiện hoặc chậm thực hiện cam kết thành lập trường.

Nhiều trường đại học, cao đẳng NCL không thực hiện đúng các quy định về tuyển sinh và đào tạo như: tuyển sinh vượt chỉ tiêu, sai đối tượng; tuyển sinh và thực hiện đào tạo liên thông, liên kết sai quy định... Một số trường đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, bị xử lý dừng tuyển sinh và đào tạo.

Hiện nay còn 15 trường đại học, cao đẳng NCL chưa tiến hành xây dựng trường tại địa điểm đã đăng ký. Một số trường tuy có đất, nhưng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị hạn chế nên dạy học cầm chừng, không thực hiện theo đúng lộ trình xây dựng đã xác định trong Đề án thành lập trường. 

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế

Các nhà trường, chủ đầu tư khi thành lập trường chưa lường hết những khó khăn trong đầu tư và trong hoạt động giáo dục đại học hoặc còn chạy theo lợi ích ngắn hạn nên không triển khai những cam kết trong đề án thành lập trường, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên nên nên tỷ lệ giảng viên cơ hữu có chức danh GS, PGS và trình độ TS, ThS thấp so với mặt bằng chung của toàn hệ thống giáo dục đại học. 

Do chưa có chiến lược phát triển trường trong dài hạn nên không ít trường chỉ hợp đồng với giảng viên theo giờ giảng, thuê địa điểm cho từng lớp học... 

Quy mô và cơ cấu ngành nghề đào tạo được trường xác định chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở từng giai đoạn, của từng ngành, địa phương cũng như năng lực của đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của trường...

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công tác hậu kiểm sau khi thành lập trường thiếu kiên quyết, chưa xử lý dứt điểm các sai phạm, chưa có những cảnh báo về đình chỉ hoạt động đối với các trường đại học, cao đẳng NCL không thực hiện cam kết thành lập trường theo đúng Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội. 

Mô hình trường đại học, cao đẳng NCL là mô hình mới ở Việt Nam nên còn gặp lúng túng trong điều chỉnh cơ chế, chính sách, trong xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý, quản trị của các trường NCL; còn thiếu cơ chế và chế tài trong việc đảm bảo tự chủ và trách nghiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học NCL;

Ngoài ra, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm và kiểm định thông tin về chất lượng đào tạo, về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học và cao đẳng NCL, làm cho xã hội, người học khó nhận diện và đánh giá...

Về phía các địa phương sở tại: Một số địa phương chưa tích cực hỗ trợ các trường trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng trường; chưa triển khai, hoặc triển khai chưa đồng bộ việc thực hiện quản lý giáo dục đại học trên địa bàn theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP;

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thanh tra các hoạt động giáo dục đại học trên địa bàn chưa được thực hiện thường xuyên và chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với nhưng trường vi phạm. 

Cá biệt, có địa phương còn quy định về tuyển dụng cán bộ trong cơ quan nhà nước có sự phân biệt đối tượng tốt nghiệp từ trường công lập và NCL. 

Thực tiễn 20 năm phát triển của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cho phép chúng ta đánh giá được những thành tựu không nhỏ, đồng thời rút ra được những kinh nghiệm quí báu để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy những mặt tốt, tích cực góp phần thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.