5 dấu ấn của giáo dục đại học ngoài công lập

GD&TĐ - Trong 20 năm qua, số lượng các trường đại học, cao đẳng NCL đã phát triển nhanh chóng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen trong ngày lễ tốt nghiệp
Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen trong ngày lễ tốt nghiệp

Từ Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, tiền thân của Trường Đại học Thăng Long ngày nay ra đời năm 1988, đến nay đã có 90 trường (gồm 61 trường đại học, 29 trường cao đẳng), chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường đại học, cao đẳng toàn quốc 

Trong 20 năm qua, số lượng các trường đại học, cao đẳng NCL đã phát triển nhanh chóng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Hệ thống giáo dục đại học NCL đã mở rộng đến hầu hết các thành phố, vùng miền trong cả nước, khẳng định vị trí quan trọng của mình trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Góp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân

Việc hình thành và phát triển các cơ sở giáo dục đại học NCL trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn đại học và trên đại học. 

Nguồn lực được đào tạo từ khu vực giáo dục đại học NCL đã góp phần không nhỏ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Số lượng ngành đào tạo, trình độ đào tạo của các trường đại học, cao đẳng NCL ngày càng đa dạng, tăng dần. Hiện nay, khối đại học, cao đẳng NCL đang đào tạo 1.143 ngành/chuyên ngành, gồm: 522 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 582 ngành đào tạo trình độ đại học, 36 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (của 17 trường đại học) và 3 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (của 2 trường đại học).

Khi mới thành lập, các trường đại học, cao đẳng NCL chủ yếu tập trung đào tạo các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, là các ngành không đòi hỏi cao về đầu tư cơ sở vật chất, không yêu cầu có các phòng thí nghiệm, trang thiết bị thực hành đắt tiền. 

Hiện nay, nhiều trường đã chuyển hướng sang đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ cần có sự đầu tư lớn của các trường.

Quy mô đào tạo ngày càng tăng

Chỉ tính riêng đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng, năm 2000 khối giáo dục đại học NCL có 100.136 sinh viên, năm 2010 có 321.996 sinh viên. Tỷ lệ tăng sinh viên bình quân hằng năm trong giai đoạn 2000-2010 là 12,39%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của các trường đại học, cao đẳng công lập (là 9,05%).

Những năm gần đây, một số trường đại học, cao đẳng NCL gặp khó khăn trong tuyển sinh, nên quy mô đào tạo có phần giảm đi. Hiện nay, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các cơ sở giáo dục đại học NCL là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.

Điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, chất lượng đào tạo thực tế bước đầu được khẳng định

Năm học 2012 - 2013, các trường đại học, cao đẳng NCL đã có 13.796 giảng viên và cán bộ quản lý cơ hữu, tăng gần gấp ba lần so với 10 năm trước đây.

Đến nay, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như phát triển đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học… của nhiều trường NCL đã được khẳng định. 

Một số trường đã có chính sách khuyến khích và gửi giảng viên trẻ đi đào tạo sau đại học tại các cơ sở giáo dục cả trong lẫn ngoài nước như Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Hoa Sen...

Một số trường đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy hiện đại, như Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học FPT… 

Trường Đại học dân lập Lạc Hồng đã có phòng thí nghiệm tương đối hiện đại cho sinh viên học tập, nghiên cứu và sinh viên của trường đã nhiều năm đoạt giải nhất ở các kỳ thi Robocon cấp quốc gia và cấp châu lục.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường đại học, cao đẳng NCL không ngừng phát triển, tăng dần theo từng năm. Từ một số ít cán bộ quản lý, giảng viên cơ hữu trong những năm đầu mới thành lập (chủ yếu là đội ngũ giảng viên các trường công lập đã nghỉ hưu), đến năm học 200 - 2004, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu của các trường đại học, cao đẳng NCL có 5.071 người; năm học 2007 - 2008 có 7.718 người và đến năm học 2012 - 2013, các trường đại học, cao đẳng NCL đã có 13.796 giảng viên và cán bộ quản lý cơ hữu, tăng gần gấp ba lần so với 10 năm trước đây.

Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH

Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường đại học đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường đại học, cao đẳng NCL đã lên tới 1.555 tỷ đồng.   

Các trường đại học, cao đẳng NCL chủ yếu được thành lập theo phương thức xây dựng mới hoàn toàn. 

Đến nay có khoảng 30 trường đã xây dựng được trụ sở khang trang, đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục hạn chế, mô hình giáo dục đại học NCL đã phát huy có hiệu quả tiềm năng của xã hội, huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ nhiều thành phần và các nhà đầu tư khác nhau.

 Hệ thống các trường đại học, cao đẳng NCL đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc đầu tư phát triển giáo dục đào tạo; tạo điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho đất nước. 

Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường đại học đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường đại học, cao đẳng NCL đã lên tới 1.555 tỷ đồng. Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học NCL đều cố gắng thực hiện cam kết trong đề án thành lập trường.

Hội đồng quản trị nhiều trường đại học, cao đẳng NCL đã có lộ trình cụ thể trong việc xây dựng và phát triển nhà trường (về đất đai, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; xây dựng chương trình, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý).

Bên cạnh việc đầu tư khá lớn về vật chất, các trường đại học, cao đẳng NCL đã huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao tham gia sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho đất nước.

Qua đó, hệ thống các trường đại học, cao đẳng NCL đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của nhân dân, mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước. Có thể đánh giá đây là một trong những thành công của chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Phát triển giáo dục đại học NCL tạo ra mô hình mới về quản trị đại học

Bên cạnh những đóng góp cho giáo dục đại học nói chung, sự phát triển của hệ thống các trường đại học và cao đẳng NCL không những đã hình thành mô hình mới về quản trị đại học, mà còn góp phần hoàn thiện lý luận về quản lý và làm phong phú thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam.

Với tư cách là mô hình mới, tự chịu trách nhiệm tài chính, có đặc thù riêng về quản trị đại học, giáo dục đại học NCL đã tạo sự cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục đại học công lập; là mô hình đối sánh về tổ chức và quản lý tài chính hiệu quả, cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần hoàn thiện về tổ chức và các điều kiện đảm bảo chất lượng của cả hệ thống giáo dục đại học nói chung.

Trên cơ sở mô hình tự chủ, cạnh tranh và phát triển đó, nhà nước có điều kiện thay đối dần cách thức quản lý đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung theo hướng tự chủ và hiện đại.

20 năm là một chặng đường chưa dài nhưng đủ để nhận thấy sự lớn mạnh không ngừng, trên nhiều phương diện của khối giáo dục đại học NCL, đã khẳng định được vị trí ngày càng quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

  Chủ trương đúng đắn về XHH giáo dục của Đảng, Nhà nước 

Việc hình thành và phát triển 90 trường đại học, cao đẳng NCL trong hai thập niên qua với cơ sở vật chất dành cho giáo dục đại học ngày càng tăng, quy mô của giáo dục đại học NCL ngày càng mở rộng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng phát triển; số học sinh lựa chọn vào học các trường NCL nhìn chung ngày càng nhiều, xã hội ngày càng đón nhận kết quả đào tạo của khối giáo dục đại học NCL… là minh chứng thuyết phục cho chủ trương đúng đắn về phát triển giáo dục đại học NCL của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, sự thành công đó cũng nhờ lòng tâm huyết, quyết tâm của các nhà đầu tư, các nhà giáo dục, đội ngũ giảng viên. Từ tài sản riêng của các nhà đầu tư tâm huyết, nhiều trường đại học, cao đẳng NCL đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, có thiết bị hiện đại phục vụ dạy học và nghiên cứu khoa học, có thư viện hiện đại và ký túc xá sinh viên…

Nhiều trường đã thu hút được đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giỏi, thu hút được sinh viên vào học và tạo được niềm tin từ các nhà tuyển dụng… khẳng định được uy tín, “thương hiệu” riêng về chất lượng đào tạo cho trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.