Chú trọng chất lượng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm nay ngành Giáo dục nhiều địa phương đã có những đổi mới đáng kể trong tư vấn tuyển sinh vào lớp 10...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Những ngày này, song song với công tác dạy học, ôn thi, tư vấn tuyển sinh vào 10, các trường THCS trên cả nước còn đồng thời quan tâm đến hoạt động tư vấn phân luồng hướng nghiệp. Đáng chú ý, năm nay ngành Giáo dục nhiều địa phương đã có những đổi mới đáng kể trong hoạt động này.

Sở GD&ĐT TPHCM đã lập website tư vấn về tuyển sinh vào 10, triển khai tư vấn trực tuyến miễn phí tới phụ huynh. Hoạt động này cũng giúp nhiều học sinh “nhận diện” được năng lực học tập để có quyết định hướng nghiệp, chọn trường phù hợp. Từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều trường THCS ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX, trường trung cấp nghề… tổ chức truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS.

Đối tượng chủ yếu là học sinh có học lực trung bình trở xuống. Không chỉ thông tin cho cha mẹ và học sinh về các quy định kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, cách chọn nguyện vọng và các mốc thời gian cần lưu ý, đại diện đơn vị còn thông tin thêm về hướng đi khác sau khi tốt nghiệp THCS phù hợp với năng lực của học sinh và điều kiện kinh tế gia đình...

Tại TP Cần Thơ, không chỉ tổ chức cho giáo viên tư vấn cho từng phụ huynh, học sinh, tư vấn chung tại trường, nhiều trường THCS còn tổ chức hoạt động trải nghiệm, đưa trò tham quan các trường nghề, từ đó có định hướng nghề nghiệp rõ hơn. Ở Phú Thọ, để làm tốt công tác phân luồng, các trường THCS không chỉ bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9, mà còn chủ động thành lập ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác này.

Nỗ lực của các đơn vị trong cải thiện chất lượng tư vấn hướng nghiệp phân luồng là tín hiệu tích cực, tuy vậy, trên bình diện chung, hoạt động này vẫn chưa đều tay. Không ít nơi tư vấn phân luồng, hướng nghiệp mặc nhiên được coi là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm, trong khi nhiều thầy cô cho biết chỉ am hiểu chuyên môn, không rành về ngành nghề, thị trường lao động.

Không ít trường học vẫn coi tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 là thành tích, nên công tác tư vấn chủ yếu tập trung làm sao để trò không rớt lớp 10 công lập. Có nơi nói là tư vấn phân luồng nhưng trong quá trình truyền đạt đến phụ huynh và học sinh lại không khéo léo, tư vấn có tính chất ép buộc, có thể là vì hoàn thành chỉ tiêu phân luồng đã được đề ra hoặc cũng có thể giữ thứ hạng cho trường trong các bảng xếp hạng điểm thi lớp 10.

Câu chuyện phụ huynh một số trường THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) phản ứng vì cho rằng nhà trường yêu cầu con em đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển sang trường tư hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 vào năm ngoái là một ví dụ. Phân luồng học sinh là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của mỗi con người và sự phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đã triển khai sâu rộng trong trường THCS. Tuy nhiên, thời gian qua công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả như ý, cũng có nguyên nhân liên quan đến chất lượng tư vấn. Thực tế cho thấy ở đâu làm tốt công tác tư vấn, nơi đó hoạt động phân luồng sau THCS diễn ra hiệu quả, nơi nào tư vấn chưa “tới” phân luồng èo uột theo.

Để nâng cao chất lượng tư vấn phân luồng, hướng nghiệp, mọi việc không nên chỉ phó mặc cho giáo viên, mà cần được thực hiện bài bản hơn, giữa nhiều đơn vị, giữa trường trung học, trường nghề và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Có như thế, công tác phân luồng hướng nghiệp trong nhà trường mới đi vào thực chất, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người học, góp phần lớn vào sự thành công của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ