Chữ “nghỉ” có phải là từ địa phương Nghệ Tĩnh?

GD&TĐ - * Chữ “nghỉ” (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba), đặc biệt là chữ “nghỉ” (của một vài câu, ví dụ “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”) trong Truyện Kiều, có phải là một từ của tiếng địa phương Nghệ Tĩnh không?

Chữ “nghỉ” có phải là từ địa phương Nghệ Tĩnh?

@ Liên quan đến chữ “nghỉ” này và một số chữ khác nữa trong Truyện Kiều, Nguyễn Tài Cẩn có viết như sau: “Đến thời Tự Đức, Truyện Kiều đã phổ biến rộng ra nhiều vùng, nhiều thế hệ đã tham gia nhuận sắc, riêng bản Duy Minh Thị lại còn được biên tập ở tận miền Nam, nhưng quả có một số từ ngữ vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu giữ lại được ở trong tác phẩm, ví dụ ở bản Duy Minh Thị: cáo, đích, trẹ, nen, mùi, nghỉ, đây...” (Tư liệu Truyện KiềuBản Duy Minh Thị 1872, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002, “Phụ lục”, tr.546).

Cứ như lời khẳng định trên đây của Nguyễn Tài Cẩn thì khi Nguyễn Du dùng đại từ nghỉ trong một vài câu Kiều là ông đã dùng tiếng địa phương Nghệ Tĩnh. Nhưng liệu một lời khẳng định như thế riêng đối với từ nghỉ có đúng hay không? Hẳn là nhiều người có nhiều hiểu biết về tiếng Nghệ Tĩnh cũng sẵn sàng cho là đúng. Ta hãy cứ giở một vài quyển từ điển ra xem sao.

Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An, 1998) ghi:

Nghỉ: Nó, hắn.

Vd – Dơ tuồng nghỉ mới kiếm đường tháo lui (Kiều)”

Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999) cũng ghi:

Nghỉ. Nó, hắn

Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.

(Truyện Kiều)”

 Vậy vấn đề chẳng phải đã rõ ràng rồi hay sao? Tuy nhiên, với chúng tôi thì chuyện lại chẳng phải đơn giản như thế nếu ta chịu khó quan sát hiện tượng đang xét theo hướng lịch đại. Đại từ nghỉ chỉ trở thành một đơn vị của tiếng địa phương Nghệ Tĩnh từ thời hiện đại mà thôi chứ ở thời của Nguyễn Du thì chưa.

Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La) của Alexandre de Rhodes (Roma, 1651) lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng đã ghi nhận nó:

Nghỉ: Người ấy, kiểu nói rất lịch sự”

(Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb KHXH, 1991)

Trong Thiên nam ngữ lục, nó đã được dùng đến 25 lần, theo bản phiên âm của Nguyễn Thị Lâm (Nxb Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001) và ta cũng chẳng có cơ sở nào để nói rằng ở thời của Nguyễn Du thì nó đã tuyệt đối không còn được dùng ở Xứ Bắc nữa. Còn ở trong Nam, thì cho đến cuối thế kỷ XIX nó vẫn còn được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình–Tịnh Paulus Của (t.I, 1895; t.II, 1896).

Vậy khi Nguyễn Du đưa nghỉ vào một vài câu của Truyện Kiều thì đại từ này hãy còn là một từ của ngôn ngữ toàn dân chứ chưa phải là một từ “độc quyền” của tiếng Nghệ Tĩnh như ở thời hiện đại. Chính vì đặc điểm này của nó nên việc chú giải cho đại từ nghỉ trong Truyện Kiều thực ra không đơn giản chút nào.

Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) do Nhóm nghiên cứu văn bản Truyện Kiều hiệu đính và chú thích (Nxb Văn học, Hà-nội, 1965) đã cho ở cước chú số 894 (tr.78) như sau:

Nghỉ: Nó, hắn, y, thổ âm Nghệ-Tĩnh”

Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (Nxb ĐH&THCN, Hà-nội, 1972) đã ghi ở mục 12 (tr.343) của phần “Chú thích” như sau:

Nghỉ: đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (chung cho cả trai, gái) thường dùng nói những người ngang hàng hay dưới hàng mình, có nghĩa là ông (bà) ta, anh (chị) ta, nó, hắn”

Còn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Nxb KHXH, Hà-nội, 1974) thì ghi:

Nghỉ: Từ xưa nghĩa là nó”

V.v... và v.v…

Về lời chú giải của Nhóm nghiên cứu văn bản Truyện Kiều thì chúng tôi xin cải chính rằng, như đã nói, nghỉ không phải là “thổ âm Nghệ-Tĩnh” (thực ra dùng thổ ngữ thì sát hơn là “thổ âm”) vì đó là một từ của ngôn ngữ toàn dân vào thời của Nguyễn Du. Chẳng qua, hiện nay nó đã trở thành một từ cổ. Còn từ cổ này hiện vẫn tiếp tục được sử dụng trong phạm vi của thổ ngữ Nghệ Tĩnh thì đây lại là một chuyện căn bản vô can đối với việc chú giải Truyện Kiều. Huống chi, Nguyễn Du vốn sinh ra và lớn lên ở xứ Bắc cho nên ngôn ngữ của ông phải là tiếng nói của xứ Bắc, và đặc biệt là của Kẻ Chợ chứ đâu phải là tiếng Nghệ Tĩnh. Một tài năng “văn chương nết đất thông minh tính trời” như Nguyễn Du có lẽ nào lại đưa từ ngữ của tiếng Nghệ Tĩnh, mà lại là những từ ngữ rất thông thường, vào kiệt tác của mình!

Lời chú giải của Nguyễn Thạch Giang thì lại chẳng hề có giới hạn về cả không gian lẫn thời gian nên chẳng những không làm cho người đọc biết rằng nghỉ là một từ cổ mà cũng không thông báo cho họ biết rằng hiện nay, nếu có được dùng thì nó cũng chỉ còn được dùng ở Nghệ Tĩnh mà thôi.

Chỉ có lời giảng của Đào Duy Anh mới nói rõ đó là một “từ xưa”, nghĩa là một từ cổ nhưng cả Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang và nhóm Nguyễn Văn Hoàn đều căn cứ vào sắc thái biểu cảm (ở đây là thái độ xem thường) của từ nghỉ trong tiếng Nghệ Tĩnh mà gán cho nó cái nghĩa như đã thấy. Tác giả Thế Anh đã nêu rõ là ở đây nó mang sắc thái trung hòa chứ không có ý khinh miệt (Xin x. “Trở lại với chữ nghĩ trong truyện Kiều”, Ngôn ngữ & Đời sống, số 9 (35) 1998, tr.12). Còn ở một giai đoạn sớm hơn thì, như đã ghi nhận trong từ điển của A.de Rhodes, nó lại còn có sắc thái trang trọng nữa là đằng khác.

Tóm lại, với chúng tôi thì nghỉ trong Truyện Kiều là một từ cổ (dĩ nhiên là thuộc ngôn ngữ toàn dân) mang sắc thái trung hòa và mang nghĩa của đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ