Đi tìm quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất

GD&TĐ - Tất nhiên, phải nói ngay là không tính đến người Anh hay những quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất như Mỹ, Úc, New Zealand… 

Đi tìm quốc gia nói tiếng Anh tốt nhất

Cuối năm 2016, Công ty giáo dục tư nhân Education First (EF) – một trong những tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới, đến từ Thụy Sĩ – đã công bố Báo cáo Đánh giá Năng lực Tiếng Anh năm 2016 trên toàn cầu (EF EPI 2016 Rankings).

Báo cáo cho biết, tại những nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, thì người dân Hà Lan có khả năng nói tiếng Anh tốt nhất thế giới.

Phản ánh chất lượng giáo dục mỗi quốc gia

Việc xếp hạng năng lực ngoại ngữ của EF dựa trên các bài khảo sát trực tuyến đối với 950.000 người tại 72 quốc gia trên thế giới. Năm 2016 là lần đánh giá năng lực lần thứ 6 được EF thực hiện.

Đây cũng là bảng xếp hạng lớn nhất trên thế giới về năng lực Anh ngữ giữa các quốc gia. Việc khảo sát nhằm chỉ ra xu hướng học tiếng Anh hiện nay ở các khu vực, vùng lãnh thổ và trên toàn cầu, đồng thời phân tích mối tương quan giữa mức độ thông thạo tiếng Anh của các quốc gia và tính cạnh tranh của các nền kinh tế.

Nghiên cứu được thực hiện hàng năm nhằm kiểm tra trình độ sử dụng tiếng Anh của người lớn tại một số quốc gia trên thế giới. Kết quả của lần khảo sát này cho thấy năng lực tiếng Anh đã được cải thiện tại hầu hết các khu vực trên thế giới.

Báo cáo năm 2016 cũng kết luận rằng, năng lực tiếng Anh vẫn là một phần quan trọng tạo nên sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia. Theo Min Tran - Giám đốc bộ phận nghiên cứu của EF, một quốc gia có thứ hạng cao về năng lực tiếng Anh sẽ đồng nghĩa với quốc gia đó có một hệ thống giáo dục tốt.

“Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng để đạt được thứ hạng cao là quốc gia đó có một môi trường sử dụng tiếng Anh rộng rãi. Nếu ngày nay bạn đến Singapore, bạn sẽ thấy tiếng Anh được sử dụng khắp mọi nơi.

Chúng ta có thể nghe thấy những người trẻ tuổi nói lẫn cả tiếng Trung Quốc, Mã Lai với tiếng Anh. Người dân Singapore xem tivi, xem phim, nghe nhạc đều bằng tiếng Anh…”.

Min Tran cũng cho biết, khảo sát còn chỉ ra rằng có sự chênh lệch khoảng cách về giới tính trong khả năng tiếng Anh. “Nữ giới có xu hướng sử dụng tiếng Anh tốt hơn nam giới. Và điều này có thể thấy ở mọi quốc gia, mọi lứa tuổi và mọi ngành kinh doanh”.

Châu Âu vẫn chiếm vị thế

Tương tự bảng xếp hạng được đưa ra lần đầu 6 năm trước, châu Âu vẫn chiếm vị trí hàng đầu về năng lực tiếng Anh trên thế giới. Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan là 5 quốc gia đứng đầu trong bảng báo cáo năm 2016. Sự khác biệt duy nhất là Hà Lan leo từ vị trí thứ 2 lên vị trí đầu tiên.

Những nước này có được thứ hạng cao trong danh sách, chủ yếu từ hệ thống giáo dục. Từ cấp tiểu học cho đến đại học, tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình học tập.

Ngoài ra, người học tiếng Anh còn có cơ hội sử dụng ngôn ngữ này rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Một nguyên nhân quan trọng nữa là tại các nước Bắc Âu, phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính, bên cạnh ngôn ngữ địa phương.

Một thay đổi rất lớn đã diễn ra tại Pháp. Từ mức “thành thạo thấp” lên mức “thành thạo” vào năm 2016. Pháp xếp hạng thứ 24 trong 28 quốc gia châu Âu.

Tiếng Anh là một vấn đề nhạy cảm ở Pháp, vì người dân luôn tự hào về tiếng Pháp và vị thế của quốc gia họ trên thế giới. Các trường đại học tại đây hầu như không sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, trong khi các trường đại học tại châu Âu chủ yếu sử dụng tiếng Anh trong mọi chương trình.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy năng lực tiếng Anh của người Pháp đã đi xuống trong 5 năm qua, và đến năm nay điều này đã được cải thiện đôi chút.

“Việt Nam đang chuyển mình cùng châu Á”

Ở châu Á, Singapore là quốc gia xếp hạng cao nhất, và đạt vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. Singapore được xếp hạng có năng lực “thành thạo rất cao”. Điều này có được vì Singapore đã thực hiện cải thiện mạnh mẽ hệ thống giáo dục.

“Hệ thống giáo dục tại Singapore có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Hệ thống giáo dục rất hiệu quả, họ tập trung vào chất lượng giảng dạy và áp dụng tiêu chuẩn rất cao đối với học sinh, sinh viên” - Min Tran cho biết.

Sau Singapore trong bảng xếp hạng tại châu Á là Malaysia và Philippines. Theo EF, hai quốc gia này có mối quan hệ lịch sử lớn với Anh và Mỹ, vốn tạo nên khả năng sử dụng tiếng Anh sâu rộng trong xã hội.

Một điều đáng chú ý là Việt Nam xếp hạng thứ 31, với chỉ số thông thạo tiếng Anh 54,06 (cao hơn chỉ số của năm 2015, khi Việt Nam có 53,81 điểm; tuy nhìn về vị trí lại thấp hơn bởi năm 2015 Việt Nam đứng thứ 29, nhưng bảng xếp hạng năm 2015 chỉ dựa trên kết quả khảo sát từ 70 quốc gia) đứng ở vị trí trung bình, xếp trên tới 41 quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng.

Đặc biệt, vị trí của Việt Nam cao hơn cả Thái Lan và Campuchia (hai quốc gia có trình độ tiếng Anh đạt mức thấp trong khu vực), mặc dù đây là hai quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển.

Ngay cả Trung Quốc cũng kém Việt Nam tới 8 bậc, dù bảng xếp hạng của EF ghi nhận quốc gia này đã cải thiện năng lực tiếng Anh khi đạt vị trí 39 so với 41 vào năm 2015.

3 bước để nâng cao trình độ tiếng Anh

Không chỉ là bảng xếp hạng đơn thuần, trong báo cáo của EF cũng đưa ra 3 gợi ý để nâng cao trình độ tiếng Anh đối với mỗi quốc gia: Đầu tiên, chất lượng dạy tiếng Anh phải phù hợp với tất cả người dân trong nước; tiếp theo, các quốc gia nên đầu tư vào đào tạo đội ngũ giáo viên; sau cùng, hãy tạo ra môi trường nói và sử dụng tiếng Anh rộng rãi.

“Tôi nghĩ rằng, ưu tiên số một là người học được tiếp cận những chương trình đào tạo tiếng Anh chất lượng, và điều này phải bắt đầu từ việc tạo ra những giáo viên có năng lực tốt. - Min Tran nói - Sau đó, hãy tạo ra môi trường tiếng Anh trong quốc gia. Đó là một hệ thống song ngữ trong các chương trình học, các bảng chỉ dẫn trên đường phố hay trên báo chí”.

Kết quả khảo sát cho thấy, không hề dễ dàng để cải thiện năng lực tiếng Anh trên quy mô toàn quốc, và nó cũng rất tốn kém. Tuy nhiên, nếu thực hiện thành công, nó sẽ tạo động lực rất lớn thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội cho bất cứ quốc gia nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ