Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian chuyển mùa, ở khắp các khu vực trên cả nước có khả năng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dông, sét và ảnh hưởng tới đời sống
Dông là hiện tượng thời tiết kèm theo sấm, chớp xảy ra. Cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động thẳng. Cơn dông có thể kéo dài từ 30 phút đến 12 tiếng, trải rộng từ vài chục đến hàng trăm kilomet và được ví như một nhà máy phát điện nhỏ công suất hàng trăm megawat, điện thế có thể đạt 1 tỷ vôn và dòng điện 10-200 kAmper. Một tia sét thông thường có thể thắp sáng bóng đèn 100 W trong ba tháng. Theo thống kê ước tính trên trái đất của chúng ta cứ mỗi giây có chừng 100 cú phóng điện xảy ra giữa các đám mây tích điện với mặt đất. Công suất của nó có thể đạt tới hàng tỷ kW, làm nóng không khí tại vị trí phóng điện lên đến 28000 độ C (hơn ba lần nhiệt độ bề mặt mặt trời).
Theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Số ngày dông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Ở Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong vòng một năm.
Trên nền hoạt động dông tương đối mạnh này có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động dông ở các vùng. Có những nơi có số giờ dông nhỏ như Cam Ranh (55 giờ/năm), bên cạnh đó lại có khu vực đạt số giờ dông tới 489 giờ/năm như ở A Lưới (Huế). Sự chênh lệch này do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, trong đó có yếu tố phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau, làm tăng cường hoạt động dông ở vùng này và hạn chế hoạt động dông ở vùng khác. Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng.
Dông sét gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội. Ngoài những tác dụng có lợi của dông như mang lại lượng nước mưa, khả năng cung cấp nitrat của phóng điện sét, đem lại cho nông nghiệp nguồn đạm phong phú, dông sét còn gây ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế xã hội. Dông có thể gây lụt lội (những đợt dông front kéo dài), sét thường xuyên là hiểm họa gây thiệt hại về người và của.
Trong tháng 5/2021, ngay tại Hà Nội, mưa lớn, kèm theo dông, lốc, sét đã gây ra nhiều thiệt hại. Trong đó, tại thành phố Hà Nội, ảnh hưởng của thiên tai đã làm 1 người chết, do đổ cây xanh; 2 nhà tốc mái; 1 nhà văn hóa và 1 điểm trường bị ảnh hưởng; 5 trạm biến áp, 17 đường dây điện bị sự cố; 183 cây xanh gãy, đổ.
Tại tỉnh Phú Thọ, 640ha lúa và 4 ha ngô bị đổ; 7 cột điện bị gãy; ước thiệt hại 2,3 tỷ đồng. Tại tỉnh Thái Nguyên, 5 nhà bị tốc mái. Tại Hà Tĩnh, 1 người bị thương; 99 nhà tốc mái, hư hỏng; 937ha lúa bị đổ.
Chủ động phòng chống dông sét từ công tác dự báo
Việc điều tra những thông số cơ bản của môi trường như dông sét, đánh giá dự báo hoạt động của chúng ở từng địa phương có tầm quan trọng cho hoạt động sản xuất của từng địa phương đó. Trong công cuộc công nghiêp hoá, hiện đại hóa đất nước, muốn xây dựng các khu công nghiệp lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất thiết phải bắt đầu từ việc nghiên cứu các thông số môi trường này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vật lý Địa cầu, trên cả nước trung bình có 82 vụ sét đánh trong một năm, gây thiệt hại trực tiếp nhiều tỷ đồng, làm gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực... Nhiều vụ sét làm chết người.
Nhìn chung, việc nghiên cứu dông sét của nước ta còn ở giai đoạn ban đầu, và hiện nay kém xa các nước phát triển. Các số liệu về hoạt động dông sét trên lãnh thổ nước ta chưa đủ và không đủ độ tin cậy để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu dông sét và định vị sét ở Việt Nam, Viện Vật lý Địa cầu đã lắp đặt mạng lưới máy định vị sét tại một số địa phương. Từ đầu năm 2003, mạng lưới máy định vị sét gồm các trạm Thái Nguyên, Phú Thụy và Nghĩa Đô (Hà Nội), Mộc Châu (Sơn La), Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu đã được đưa vào hoạt động. Với khả năng định vị bán kính đến 400 km, mạng lưới này đã bao phủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ đắc lực cho công tác dự báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm trong đó có dông sét.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 96/VPTT đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thường xuyên thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi.
Các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra rà soát nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó phù hợp với diễn biến dịch COVID-19, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.