'Chớp' cơ hội đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

GD&TĐ - Nhiều trường đại học khu vực phía Nam đang nhanh chóng mở các chương trình đào tạo liên quan lĩnh vực bán dẫn...

Sinh viên ĐH Lạc Hồng học tập ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch.
Sinh viên ĐH Lạc Hồng học tập ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch.

Trước nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực bán dẫn, nhiều trường đại học khu vực phía Nam đã nhanh chóng mở các chương trình đào tạo liên quan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn đang có rất nhiều những khó khăn, vướng mắc cần phải vượt qua để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Tăng chỉ tiêu, tăng đầu tư

Ngày 23/12, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) chính thức đưa vào sử dụng phòng thực hành Vi mạch bán dẫn với tổng giá trị hơn 6,7 tỷ đồng. PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng cho biết, hơn một năm qua nhà trường đã ưu tiên phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và đặt nội dung này là nhiệm vụ chiến lược tại trường.

Cụ thể, Trường Đại học Lạc Hồng xây dựng chương trình đào tạo liên ngành, mở thêm chuyên ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch. Đặc biệt, trường chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên lĩnh vực đào tạo công nghệ kỹ thuật vi mạch bằng việc cử giảng viên tham gia các hội thảo, hoạt động liên kết nhằm nâng cao năng lực và kiến thức chuyên ngành cùng với các đối tác như Onsemi, Intel, TOKIN Electronics (Việt Nam), Hansoll Việt Nam...

Tháng 12/2023, nhà trường cử đoàn tham quan các trường đại học tại Đài Loan liên quan đến lĩnh vực vi mạch và ký bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với 5 trường đại học Cần Ích, Minh Tân, Nam Đài, Cao Hùng và Nghĩa Thủ nhằm đưa giảng viên và sinh viên đi học tập chuyên sâu trong lĩnh vực này.

Đến tháng 11/2024, nhà trường ký kết triển khai các hoạt động cụ thể với các trường đại học Đài Loan (Nguyên Trí, Minh Tân, Trung Nguyên, Á Châu, Cần Ích) về hợp tác đào tạo giảng viên và sinh viên ngành vi mạch bán dẫn. Trường Đại học Lạc Hồng cũng đầu tư hơn 500 triệu đồng để cử 6 giảng viên sang Trường Đại học Cần Ích học tập, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ kỹ thuật bán dẫn.

“Tính đến nay trường đã đầu tư cho hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ lĩnh vực bán dẫn hơn 1 tỷ đồng. Song song đó, Trường Đại học Lạc Hồng đã gửi đề án cho Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ để xin tài trợ về trang thiết bị và nâng cao đội ngũ nhân sự với tổng giá trị 1,5 triệu USD”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.

Trước đó, hồi đầu tháng 12/2024, Đại học Quốc gia TPHCM đã khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo trên khu đất 4,65 ha với kinh phí 700 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Trung tâm sẽ là nơi đặt các phòng thí nghiệm tiên tiến, như phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhiều trường đại học khác ở khu vực phía Nam cũng nắm bắt xu thế để tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Chẳng hạn, năm học 2025 - 2026, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến sẽ dành khoảng 180 chỉ tiêu ngành vi mạch, tăng 120 chỉ tiêu so với năm học trước. Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng dự kiến sẽ tuyển 100 chỉ tiêu cho chuyên ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), chuyên ngành thiết kế vi mạch nằm trong ngành điện - điện tử. Sau 1 năm học, sinh viên ngành có thể đăng ký học chuyên ngành thiết kế vi mạch, chỉ tiêu từ 100 - 200 người. Ngoài ra, nhà trường dự kiến mở thêm chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bằng tiếng Anh và hệ đào tạo sau đại học.

chop-co-hoi-dao-tao-nganh-vi-mach-ban-dan-1.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan phòng thực hành vi mạch bán dẫn.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo các chuyên gia giáo dục, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần phải tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; đầu tư chất lượng đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo. Trong đó, việc đầu tư cho cơ sở vật chất là “rất tốn kém”.

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Lạc Hồng, trong 6 tháng cuối năm 2024, nhà trường đã trang bị bộ KIT HAPS 100 của hãng Synopsys - một nền tảng mô phỏng phần cứng hiệu suất cao, được chế tạo để phát triển, kiểm tra và xác thực thiết kế trước khi sản xuất.

“Nhà trường cũng là đơn vị tiên phong đầu tư thiết bị phần cứng hiện đại này tại Việt Nam dành cho hoạt động đào tạo thực hành thiết kế vi mạch. Phần cứng HAPS 100 dùng cho tạo nguyên bản FPGA, Bộ công cụ thiết kế “front end design”, bộ công cụ thiết kế “back end design” và bộ công cụ thiết kế analog với tổng giá trị gần 2,3 tỷ đồng.

Bên cạnh phần cứng hiện đại nhất, trường cũng đầu tư bộ phần mềm thiết kế vi mạch chuyên nghiệp với các mô-đun như “front end design”, “back end design” và bộ công cụ thiết kế analog đi kèm với phần cứng có giá trị 3 tỷ đồng. Trường còn đầu tư phòng thực hành với 64 máy tính với tổng giá trị 1,4 tỷ đồng”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh thông tin.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, Việt Nam đang rất sôi động trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng cho biết, hiện nhiều doanh thu lĩnh vực vi mạch bán dẫn ở Đài Loan cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam và đây chính là cơ hội của chúng ta. Thực tế nguồn đất và nhân lực phục vụ ngành này của Đồng Nai chưa có.

“Giờ các doanh nghiệp nước ngoài gõ cửa Đồng Nai muốn đầu tư dự án 100ha, Đồng Nai lấy đâu ra quỹ đất? Mà không thu hút được dự án liên quan chất bán dẫn thì có đào tạo nhân lực cũng bằng thừa, chỗ đâu làm việc? Đồng Nai thì có đất gần sân bay nhưng đất quy hoạch cho công nghiệp thì phải hơn 1 năm nữa mới có, liệu các doanh nghiệp có chờ mình hay không?”, Bí thư Tỉnh ủy đồng Nai phân tích.

Vì vậy, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các ban ngành, các trường đại học trên địa bàn cần phải vừa nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực vừa nỗ lực “kéo” doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo ông, lĩnh vực bán dẫn có 3 lĩnh vực: Thiết kế, quang khắc - sản xuất và đóng gói - kiểm thử. Việt Nam đang hướng tới việc làm 2 công đoạn là thiết kế và đóng gói - kiểm thử; còn quang khắc thì chưa chắc các doanh nghiệp nước ngoài nhắm tới Việt Nam.

“Do đó, chúng ta phải tính toán đào tạo, tìm hướng đầu tư cho phù hợp chứ nếu không chỉ đào tạo một đường lại đi một nẻo. Cái mình có các doanh nghiệp nước ngoài họ không cần, cái họ cần mình lại không có thì sao đáp ứng được”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nêu vấn đề.

“Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn đất hiếm. Chính nguồn đất hiếm này tạo ra tiềm năng cho ngành chất bán dẫn của Việt Nam. Chúng ta vừa có đất hiếm, vừa có nguồn nhân lực tốt, đặc biệt là đất nước phát triển ổn định nên có rất nhiều quốc gia muốn đến Việt Nam phát triển ngành này. Tuy nhiên, Việt Nam từ xưa đến nay chưa phải là địa điểm đến để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Nguyễn Hồng Lĩnh nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam

Thưởng thức 'Đêm trắng'

GD&TĐ - 20 giờ ngày 11/1, vở kịch 'Đêm trắng' tiếp tục được công diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam (Số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cảnh quan Paris nhìn từ tháp Eiffel. Ảnh: ITN

Truyện ngắn: Lời thì thầm từ tâm hồn

GD&TĐ - Thomas Mercier có một cuộc sống bình thường tại Quận 15 của thủ đô Paris hoa lệ. Một buổi sáng, khi đang trên đường đến chỗ làm, anh bỗng nhiên nhận ra một điều gì đó rất khác lạ.

Ảnh: Phương Thảo

Thương nhau củ ấu cũng tròn

GD&TĐ - Phiên chợ Giành hôm nay tự nhiên thấy mọi người túm năm tụm ba một chỗ, vừa mua vừa bán vui quá. Thì ra cô hàng ấu đã trở lại!