Bà Lan vốn không hài lòng về Hương – con dâu của mình. Trong suy nghĩ của bà, Hương không đẹp lại cũng không giỏi giang, chưa kể điều kiện gia đình không tương xứng với gia đình bà.
Ngày con trai bà đưa Hương về ra mắt, bà đã phản đối ra mặt ngay nhưng rồi vẫn phải chấp thuận cho cưới vì Hương đã mang thai cháu nội bà được gần 2 tháng.
Suốt những năm tháng sống chung mái nhà, ác cảm của bà Lan với Hương chưa khi nào thuyên giảm. Bà coi Hương như kẻ thù không cùng chiến tuyến và lấy việc làm con dâu mình ăn không ngon ngủ không yên là niềm vui. Tuy nhiên, vì biết con trai rất yêu vợ nên bà làm những điều đó trong thầm lặng, tuyệt đối không để con trai phát hiện ra.
Để rồi một buổi sáng khi đi tập dưỡng sinh về, bà ngạc nhiên khi thấy con trai mình đang ngồi ở phòng khách, khuôn mặt đau khổ, trên bàn là 4 trang giấy kín đặc chữ của Hương.
“Mẹ à! Khi con quyết định rời khỏi căn nhà này, không biết mẹ có ân hận không? Có phút giây nào đó mẹ suy nghĩ lại và cảm nhận được tấm chân tình của con không? Con đã từng coi mẹ như mẹ ruột của con.
Còn hơn thế nữa, con chăm mẹ chồng nhiều hơn chăm mẹ đẻ con, nhưng ngần ấy ngày con sống cùng mẹ, chưa khi nào mẹ hiểu được điều đó cho con.
Con biết mẹ không ưng con, không muốn con làm dâu nhà mình. Con chỉ biết nín nhịn, im lặng cam chịu, không đòi hỏi gì mong có ngày mẹ thay đổi suy nghĩ. Thế nhưng dường như những cố gắng của con chỉ là vô ích.
Mẹ còn nhớ không? Ngày đầu tiên con bước chân về làm dâu, con dọn dẹp lúc tiệc tàn, con đã làm vỡ cái chén. Ngay lập tức mẹ mắng rằng: “Vô ý vô tứ”. Con đã rất sợ mẹ.
Hôm con từ phòng khám thai về, hào hứng nói với mẹ dự định mua quần áo cho em bé, mẹ vừa cười vừa nói rằng: “Cá của ai không biết nhưng đã vào nhà mình thì là cá nhà mình”.
tủi thân vô cùng, cháu mẹ mà mẹ nỡ nói thế. Con lấy chồng con không phải mối tình đầu nhưng con luôn biết giữ gìn. Chồng con là người đầu tiên và duy nhất của con cho đến giờ.
Mẹ đẻ con vào chăm con sinh. Vậy mà mẹ không hài lòng, chửi chó mắng mèo, lúc nào cũng gắt gỏng. Mẹ đi viện về, mẹ con nấu cháo cho mẹ thì mẹ đưa đi đổ không ăn. Mẹ đẻ con dự định ở lại thêm vài tháng nhưng vì ngại mẹ quá nên đành về sớm.
Mẹ con về quê, mẹ con đã khóc rất nhiều, lo lắng và thương con nên bà về không yên tâm. Ấy vậy mà chồng con vừa chở mẹ con về quê thì mẹ cười hớn hở nựng cháu rằng:
“Bà cháu mình vậy là thắng rồi đó”. Con nói với chồng con về chuyện mẹ đối xử với con với mẹ đẻ con thế nào. Chồng con không tin, kêu là con cứ nghĩ vớ vẩn nên nói vậy. Con bực mình nên hai vợ chồng gắt nhau. Lúc nào trước mặt anh ấy mẹ cũng tươi cười nhưng nụ cười của mẹ tắt ngấm ngay lúc chồng con quay lưng lại. Nói thật, con sợ sự thay đổi thái độ chóng mặt của mẹ.
Từ nhỏ tới lớn con chưa thấy ai nói dối trắng trợn mà còn thề thốt như mẹ. Mẹ không nói thẳng, không đối chất với con, chỉ lẳng lặng nói với người này người nọ những điều không đúng về con.
Chuyện gì trong gia đình mình mẹ cũng phóng đại rồi kể cho hết xóm làng, để giờ con đi ra đường, người ta chỉ trỏ bàn tán về con những câu rất khó nghe.
Xin lỗi cho con nói thẳng, mẹ sống giả dối lắm. Con nhớ có lúc mẹ đang đứng chống nạnh chửi rủa, nhưng khi chồng con vừa về tới nơi thì mẹ lại tươi cười, nói con không chịu mặc áo ấm.
Con ngớ người, mẹ có khi nào nghĩ tới hậu quả của những gì mình làm không mẹ? Chồng con thì thương mẹ, con không trách anh ấy, phận làm con biết làm thế nào cho phải. Thế nên con vì chồng vì con mà nhịn.
Mẹ nói con không được nết gì, có học như không. Mẹ mắng con ăn bám chồng nhưng lại lén lên tận công ty con trình bày cho con chuyển sang chức vụ khác đỡ bận rộn hơn để còn về lo việc nhà.
Mẹ có biết con xấu hổ thế nào khi được sếp gọi lên tận nơi để nói chuyện không? Để rồi lương con từ hơn 9 triệu xuống còn có 5 triệu. Tiền con mang về càng ít mẹ càng có cớ nói con không ra gì.
Con nghĩ con không đến nỗi là người vợ quá tệ. Con không bao giờ đòi hỏi tiền từ chồng, anh đưa thì con cất, nhưng anh cũng không đưa con như mẹ nghĩ đâu. Con đi làm lo chi tiêu trong gia đình, anh lo trả nợ làm nhà. Con cũng không gặng hỏi anh lương bao nhiêu. Con cũng ít khi cằn nhằn lúc anh nhậu.
Vậy nên đến ngày hôm nay, con thấy mình không đáng phải chịu đựng cảnh sống khổ sở này thêm nữa. Con quyết định ra đi, không cần thêm thứ gì khác. Con không cần biết mẹ sẽ nhiếc móc con thế nào, chồng con sẽ đau lòng ra sao. Giờ con phải sống cho bản thân mình đã!”