Chống tham nhũng mạnh mẽ hơn!

GD&TĐ - Công cuộc chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, bền bỉ với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong suốt thời gian qua.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 công bố mới đây lại cho thấy sự suy giảm của chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Diễn biến này phản ánh điều gì?

PAPI gồm 8 tiêu chí đánh giá và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là một trong số đó. Chỉ số này gồm 4 nội dung thành phần nhằm đo lường cảm nhận, trải nghiệm và nhìn nhận của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân.

Trong năm 2021, bức tranh “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” dường như tăng gam màu xám khi điểm số giảm nhẹ xuống 6,88 trên thang điểm từ 1 - 10 (năm 2020 là 6,9). Đáng chú ý, điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 - 8,15 điểm.

Trong số 4 nội dung thành phần của “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, điểm của “Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” vẫn thấp nhất. Theo phản ánh của người dân, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương, dù đó là tỉnh giàu hay nghèo.

Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường). Điều này diễn ra ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% - 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Ngoài ra, cũng có 40% đến 80% người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện ở khoảng 40 tỉnh, thành phố cho biết đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn.

Đi cùng với sự suy giảm về điểm ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” là sự sụt giảm tỷ lệ người dân tin vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Năm 2020, có 50,32% người được hỏi cho biết chính quyền tỉnh, thành phố đã xử lý nghiêm các vụ tham nhũng ở địa phương trong khi năm 2021 chỉ còn lại 48,13%.

Đây là năm đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về điểm người dân đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng của chính quyền địa phương kể từ năm 2016 - thời điểm chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.

Tuy vậy, diễn biến này không hẳn phản ánh hiệu quả của công tác chống tham nhũng giảm đi mà cho thấy kỳ vọng của người dân vào sự trong sạch, minh bạch của đội ngũ công chức và công tác chống tham nhũng là rất cao.

Điều đó cũng có nghĩa nỗ lực chống tham nhũng phải tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Bên cạnh việc tiếp tục xử lý nghiêm minh các vụ tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, cần dành ưu tiên cho các biện pháp xử lý tận gốc tình trạng này, đó là hoàn thiện thể chế, pháp luật để từng cán bộ không thể, không dám tham nhũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.