Hà Nội: Tăng cường phòng chống tham nhũng ngành trong ngành Giáo dục

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2022.

Kế hoạch nhằm tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, trường học ngành Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trường học và đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị ngành Giáo dục và Đào tạo xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài và  là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, trường học và của cán bộ công chức, viên chức hàng năm.

Gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng văn hóa công sở, trường học, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức; bảo đảm việc tham gia tích cực của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí đến tài sản nhà nước.

Tiến hành thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện quy định việc công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức...).

Nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử l ý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức, viên chức của Ngành.

Kế hoạch cũng đề ra giải pháp tăng cường phối hợp với cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền, thông tin phản ánh tố cáo tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời với việc kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.