Chọn thi 4 môn để đảm bảo công bằng giữa hai hình thức học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 và xin ý kiến dư luận xã hội.

Chọn thi 4 môn để đảm bảo công bằng giữa hai hình thức học

Mới đây, Bộ GD&DĐT đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và xin ý kiến dư luận xã hội và giáo viên với tinh thần tôn trọng và cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý, có phân tích, đánh giá nhiều chiều.

Ngày 30/3, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã làm rõ hơn một số thông tin về Dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nêu rõ, 3 điểm mới của dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Thứ nhất, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học chọn học của học sinh, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

Trực tiếp dạy học gần 40 năm, qua mấy kỳ thay sách và đổi thi, tôi cho rằng Phương án 2, Dự thảo Phương án thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 “thi 2 môn Ngữ văn, Toán học và 2 môn lựa chọn” là phù hợp, đúng Luật Giáo dục và đáp ứng yêu cầu phát triển và đánh giá năng lực toàn diện người học của Nghị quyết 29/TW về đổi mới toàn diện Giáo dục.

Phương án 2 đáp ứng cả 2 mục tiêu tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học

Môn Ngữ văn và Toán học là 2 trong 4 môn bắt buộc, còn 2 môn lựa chọn sẽ theo khối/ ngành theo năng lực của thí sinh. Học khối Tự nhiên, thí sinh chọn Hóa học - Vật lý hoặc Hóa học –Sinh học, hoặc Vật lý-Tin học, Hóa học–Công nghệ;

Khối Xã hội, thí sinh chọn 2 môn Lịch sử - Địa lý; Địa lý- Công nghệ, Lịch sử -Mỹ thuật, hoặc Lịch sử- GDKT-PL, Ngoại ngữ- Lịch sử…và có thể chọn luôn 4 môn bắt buộc hoặc theo khối D, (Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh) và chỉ chọn thêm môn thứ 4 tùy thích.

Với Phương án 2, kỳ thi chung quốc gia với 1,5 ngày, giảm áp lực học và thi và phù hợp, nhẹ nhàng và ít thay đổi nhất.

Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của hoạt động giáo dục

Đổi mới toàn diện đề thi, tổ chức thi và đánh giá sẽ phân hóa được năng lực hiểu biết và thực hành, điểm sẽ gần chất lượng thực hơn. Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, các môn học đều thay đổi từ nội dung đến phương pháp dạy và học, đặc biệt là môn Ngữ văn.

Học thuộc nhiều, nhớ nhiều và giỏi lý thuyết dần sẽ bị đào thải. Chúng ta không nên so sánh với những gì đang xảy ra của giáo dục hiện nay để băn khoăn về đề thi, và cách tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Phương án 2 thi 4 môn sẽ đảm bảo công bằng giữa 2 hình thức học Phổ thông và Giáo dục thường xuyên

Bằng tốt nghiệp như nhau, nhưng học sinh Giáo dục thường xuyên thi ít môn hơn. Chúng ta cũng cần nhìn lại vị thế của môn Ngoại ngữ để trả môn này về đúng vị trí là lựa chọn của học sinh có nhu cầu học đại học, du học hoặc đi làm với doanh nghiệp nước ngoài.

Những học sinh “chỉ có mong ước duy nhất học xong 12” sẽ không còn “được ngủ khi ôn thi” trên lớp, và tạo điều kiện học âm nhạc, mĩ thuật, trải nghiệm và sáng tạo.

Theo Tuoitre.vn, năm 2023, cả nước có 1.025.166 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ có 660.000 (khoảng 66,%) nguyện vọng đại học. Như thế, theo tôi, số thí sinh phải học thâu đêm để thi chiếm 2/3, còn 1/3 phải miễn cưỡng đóng học phí và ôn thi.

Thực tế đang quan niệm thi môn nào thì học môn đó

Một phần, do cuộc đua xếp thứ hạng nên có trường đã cắt xén chương trình môn không thi. Hình như, sự “ngầm chấp nhận của các bên liên quan” đã lây lan. Một phần, do quan niệm môn chính môn phụ, học để đi thi, học gì để kiếm nhiều tiền trở thành xu thế...

Khi những chỉ đạo và Kế hoạch nhà trường, nhất là kiểm tra đánh giá không còn môn chính môn phụ, giáo viên sẽ phải thay đổi phương pháp dạy và học trò thay đổi phương pháp học, và tác động nhân dân phải thay đổi mục tiêu học của con hướng đến năng lực và đam mê.

Thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh

Mục tiêu của Giáo dục phổ thông thời nào, quốc gia nào cũng nhằm trang bị những hiểu biết nền tảng và kỹ năng cơ bản. Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 thống nhất với những yêu cầu cần đạt, dù học theo bộ sách giáo khoa nào, với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn thi tốt nghiệp sẽ thỏa mãn nhu cầu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của thí sinh.

Mặt khác, Phương án 1, thi 6 môn, theo tôi là ít tạo biến động về dạy và học, thi và tuyển sinh theo Chương trình Giáo dục 2006 với nội dung bài học và phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá hiện nay.

Được biết, từ những năm 1995, chúng ta đã xây dựng và thực hiện thí điểm Chương trình phân Ban Tự nhiên và Xã hội, chúng ta đã dự kiến thi đại học 4 môn, ban Tự nhiên thêm Ngữ văn và ban Xã hội thêm môn Toán, tương tự như Phương án 2. (Toán, Lý, Hóa và Văn hoặc Văn, Sử, Địa và Toán) nhằm chống học lệch.

Tiếc rằng, sau những lùm xùm của “lò luyện” thi theo bộ đề và bệnh thành tích cho phép tổ chức thi 2 đợt tốt nghiệp THPT đã làm chương trình phân ban bị lãng quên mau chóng. Học lệch càng trầm trọng vì được khuyến khích bởi đề thi nghiêng về kiểm đếm đơn vị kiến thức, nếu muốn đạt điểm giỏi phải học thêm và học thuộc, nhớ nhiều.

Tuyển sinh vào lớp 10 của các tỉnh mấy năm nay không phụ thuộc vào thi mấy môn, học mấy môn. Những năm qua, thi nhiều môn nên học nhiều môn để thi nhưng trừ môn học để xét đại học, hiểu biết của phần lớn học sinh hiện nay về tri thức và kỹ năng phổ thông nền tảng vẫn rất nhỏ bé.

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã thay đổi hoàn toàn từ nội dung bài học, phương pháp dạy và học, tất nhiên, kiểm tra, đánh giá và thi cũng cần thay đổi. Thi 4 môn của Phương án 2 là "hợp lòng dân ý Đảng", góp phần định hướng cho người dạy, người học và toàn dân về giáo dục phải hướng đến mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện về nhân cách và trí tuệ.

Bài viết đăng theo quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Lự!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ