Chọn nghề - việc làm

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ hội cho lao động sang Rumani làm việc

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cùng Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani đã hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội. Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2018. Hiện tại, nhu cầu tiếp nhận lao động của Rumani là rất lớn khi kinh tế đang tăng trưởng bình quân 5 - 7%/năm.

Rumani đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: Hàn, xây dựng, chế biến thực phẩm... Dự báo trong những năm tới, nhu cầu nguồn cung lao động lên tới hàng chục vạn người. Lao động Việt Nam sang Rumani có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm…

TPHCM: Năm 2019 cần 320.000 chỗ làm

Trong số này, dự kiến sẽ cần có 130.000 chỗ làm mới, với nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm hơn 79%, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Trong quý I/2019, cần khoảng 90.000 chỗ làm việc với 26% lao động phổ thông, nhu cầu nhân lực ở các ngành nghề marketing, bán hàng, tiếp thị, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, quảng cáo, đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, xây dựng, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc nhà, giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ…

Các quý II và III/2019, cần khoảng 155.000 chỗ làm và quý IV/2019 sẽ cần 75.000 chỗ, trong đó lao động phổ thông chiếm 27%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng.

Thanh Hóa: Thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị dự thảo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đề án đưa ra mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, cụ thể là: Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP (one commune one product) đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp… Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống. Tuy đa dạng, phong phú về số lượng và chủng loại, song nhiều sản phẩm chất lượng chưa đáp ứng được các yêu cầu, mẫu mã hạn chế; sức cạnh tranh yếu. Việc thúc đẩy Chương trình OCOP sẽ giúp cho các làng nghề phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ