Chọn nghề trong cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ -  Khi đổi mới sáng tạo là cụm từ phổ biến, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện hữu trên các lĩnh vực, việc hướng nghiệp cũng phải gắn với xu thế này.

Cách mạng hiện hữu trên nhiều lĩnh vực.
Cách mạng hiện hữu trên nhiều lĩnh vực.

Các ngành công nghệ lên ngôi

Ths Vũ Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp cho rằng, các ngành nghề và lĩnh vực nổi bật liên quan mật thiết tới cuộc cách mạng 4.0 có thể kể đến như: Trí tuệ nhân tạo (AI), robot, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, blockchain,… Nhân lực trong các lĩnh vực này sẽ luôn luôn thiếu trong ít nhất vài thập kỷ tới tại thị trường lao động Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Do vậy, đây là các ngành có sức nóng rất lớn trong tương lai dài hạn.

Sau những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều đã nhận thức một cách sâu sắc về mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động theo hình thức online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà,…

Với tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp sau biến cố. Trong bối cảnh đó, mọi nhà quản lý đều mong muốn đẩy mạnh tiến trình số hóa (chuyển đổi số) cho doanh nghiệp của mình.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho nhu cầu nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng tăng rất cao trong thời gian tới, khiến nhóm ngành này giữ vai trò “tiên phong” trong việc tái tạo và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có thể khẳng định, sức nóng của ngành lập trình sẽ ngày càng tăng theo chiều hướng bền vững, bởi lẽ công cuộc số hóa không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của các chuyên viên lập trình.

Mặt khác, chính phủ cũng sẽ có những giải pháp quyết liệt nhằm giảm bớt đội ngũ nhân lực cồng kềnh đang làm việc tại các cơ sở hành chính công. Một minh chứng rõ ràng của hướng đi này là việc thúc đẩy người dân sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019. Điều này cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành CNTT nói chung và lập trình nói riêng trong cả tương lai ngắn và dài hạn.

Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cho rằng, Việt Nam đang không đi theo những nghiên cứu về khoa học, nên khi các bạn lớp 12 đăng ký nghề thường cảm thấy bối rối dẫn đến chọn bừa, học bừa. Hướng nghiệp trong thời đại 4.0 không nhất thiết phải đi theo số đông hay theo xu hướng, trào lưu. Quan trọng nhất vẫn là năng lực, sở thích, khả năng nổi trội của bản thân.

Phụ huynh khi định hướng cho con rất cần sự tinh tế, đặc biệt không nên có thái độ ép buộc, bởi trẻ thường thích làm ngược lại những gì cha mẹ nói. Đặc biệt, những phụ huynh muốn con theo nghiệp của mình cần phải khéo léo, như thay vì bảo con học ngành này, ngành kia đi, thì thỉnh thoảng hãy dắt con đi làm cùng, tham gia các hoạt động của bố mẹ, để các bạn thấm dần và thấy thân quen với môi trường đó và đưa ra quyết định một cách tự nguyện.

Cần đủ dữ liệu để định hướng nghề nghiệp đúng đắn

Một điều tra nhỏ về định hướng nghề nghiệp trong xu thế đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy, đa số học sinh có nhận thức ở mức độ trung bình. Kết quả điều tra cũng cho thấy rất ít học sinh có nhận thức ở mức tốt. Dữ liệu này cũng trùng với kết quả điều tra về sai lầm trong lựa chọn trường đại học/nghề nghiệp sau này của học sinh; gây tốn kém, lãng phí cho bản thân học sinh và cho toàn xã hội.

Theo chuyên gia hướng nghiệp Lê Long Hiền, Đại học Quốc gia Hà Nội, để định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong xu thế đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cách mạng công nghiệp 4.0, học sinh THPT cần thực một số giải pháp sau:

Nâng cao nhận thức về xu thế đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Giải pháp này đòi hỏi từng học sinh THPT cần tự tìm kiếm, bổ sung và nâng cao nhận thức về xu thế ĐMST và 4.0 từ nhiều kênh khác nhau trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau như truyền hình, báo chí...

Việc thực hiện giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp học sinh có đủ hiểu biết sâu rộng, chính xác, toàn diện về xu thế ĐMST và I4.0, nắm được những đòi hỏi của xu thế ĐMST và 4.0 đối với người lao động trong tương lai, từ đó giúp các em chuẩn bị tâm thế và có đủ dữ liệu định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Tìm hiểu, dự báo về nhu cầu nhân lực trong tương lai: Giải pháp này đòi hỏi từng học sinh THPT chủ động và tích cực tìm hiểu, đưa ra các dự báo về nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề lao động trong tương lai, đặc biệt là đối với những ngành nghề các em yêu thích và quan tâm; tránh việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp đối với những nghề xã hội không có nhu cầu sử dụng hoặc sẽ mất đi trong tương lai.

Việc thực hiện giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp học sinh THPT có thể hiểu, đánh giá, ước tính về nhu cầu nhân lực đối với các ngành nghề trong tương lai. Đây là những căn cứ, cơ sở khoa học giúp các em định hướng nghề nghiệp chính xác; không gây lãng phí cho bản thân và xã hội.

Đánh giá chính xác về bản thân (ước mơ, khát vọng, kỹ năng…) và khả năng đáp ứng trước nhu cầu của xã hội: Với giải pháp này, từng học sinh THPT phải tự đánh giá một cách chính xác, đầy đủ và toàn diện về bản thân mình; tức là hiểu về mình một cách chính xác và khách quan nhất; soi chiếu bản thân mình đối với các yêu cầu của những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai; nhận thấy những điều mình còn thiếu hụt và dự báo được khả năng của bản thân mình trong việc đáp ứng những ngành nghề mà mình yêu thích trong tương lai. Giải pháp này có ý nghĩa rất quan trọng trong số các giải pháp tác giả đề xuất vì nó đưa ra các cơ sở có tính chất khoa học; dữ liệu làm căn cứ để từng học sinh THPT có thể định hướng chính xác tương lai nghề nghiệp của bản thân.

Quyết định lựa chọn định hướng nghề nghiệp đúng đắn: Từng học sinh THPT phải tự nhận thức việc đưa ra quyết định về định định hướng nghề nghiệp là trách nhiệm của bản thân chứ không thể là việc của cha mẹ, gia đình hay xã hội; học sinh phải tự chịu trách nhiệm về quyết định đó và quyết định đó ảnh hưởng rất lớn đến các bước tiếp theo trong cuộc đời của mỗi học sinh.

Giải pháp này là bước cuối cùng trong việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp của mỗi cá nhân học sinh THPT; thể hiện nhận thức, kỹ năng, thái độ, thế giới quan, nhân sinh quan của từng học sinh và cũng phản ánh ước mơ, lý tưởng, khát vọng của các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ