Nhiều ngành mới đáp ứng nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Ngoài mở mới một số ngành đón đầu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, một số trường đại học khối kỹ thuật đã điều chỉnh ngành nghề, nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tìm hiểu các ngành đào tạo thuộc khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tìm hiểu các ngành đào tạo thuộc khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Công nghệ tài chính (Fintech) là ngành học mới mở của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng trong mùa tuyển sinh 2022. Fintech được sử dụng trong nhiều lĩnh vực tài chính khác nhau, từ các dịch vụ mà trước đây chỉ do ngân hàng đảm nhận như cho vay, huy động vốn, hoạt động thanh toán, dịch vụ tài chính cá nhân…

Ngoài ra, Fintech còn có mặt trong những dịch vụ do các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện như phân tích dữ liệu, quản trị tài sản, tư vấn đầu tư. Trong đó, cho vay trên nền tảng số, thanh toán qua các ví điện tử, gọi vốn cộng đồng, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính, quản lý tài sản kỹ thuật số được quan tâm đặc biệt.

Theo PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tuy còn khá mới mẻ nhưng số lượng Công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng. Nếu năm 2017 chỉ có 44 công ty thì đến năm 2020 đã có 131 công ty trong lĩnh vực này.

Một trong những thách thức lớn của lĩnh vực Fintech là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo kết quả điều tra của Viện Nhân lực Ngân hàng thì nguồn nhân lực có chuyên môn về tài chính – ngân hàng nhưng bị hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ. Trong khi đó, các kỹ sư công nghệ lại thiếu kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Trong đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đà Nẵng xác định Fintech là cấu phần quan trọng để phát triển. Đón đầu trong đào tạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để mở ngành học mới nhằm cung ứng nguồn nhân lực cao cho lĩnh vực Fintech.

Triển lãm các sản phẩm sinh viên nghiên cứu khoa học tại trường phổ thông là một kênh để học sinh tìm hiểu xu hướng ngành nghề.

Triển lãm các sản phẩm sinh viên nghiên cứu khoa học tại trường phổ thông là một kênh để học sinh tìm hiểu xu hướng ngành nghề.

Trong số 36 ngành/chuyên ngành tuyển sinh năm 2022 của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, có 3 chuyên ngành mới, gồm: Công nghệ sinh học Y Dược (ngành Công nghệ sinh học); 2 chuyên ngành Kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh; Mô hình thông tin và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng đều thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Việc mở ngành mới giúp thí sinh có cơ hội lựa chọn thêm ngành nghề để dự tuyển và đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số”.

Trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành xây dựng Việt Nam đang chuyển mình thích ứng mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là xu thế xây dựng đô thị thông minh “smart city”. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đây là tiền đề cho cuộc cách mạng số trong ngành xây dựng và tạo động lực mới trong hoạt động đào tạo ở các trường đại học. Hai chuyên ngành mới của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang theo xu hướng này và đón đầu thị trường lao động như: Lĩnh vực xây dựng có ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với chuyển đổi số. Theo đó, các giải pháp và công nghệ thông minh như BIM, Trí tuệ nhân tạo, IoT, Viễn thám, GIS… được ứng dụng trong kỹ thuật xây dựng và quản lý xây dựng đô thị.

Tương tự,Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng mở thêm chuyên ngành tiếng Anh thương mại điện tử thuộc ngành Ngôn ngữ Anh nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.

Điều chỉnh định hướng đào tạo

Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng có một số điều chỉnh trong đào tạo chuyên ngành nhằm đáp ứng sự thay đổi của công nghệ cũng như thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp.

Theo đó, với ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp chuyên đào tạo về công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thiết bị công nghệ mới trong giảng dạy. Giảng viên sẽ được trang bị năng lực số cũng như phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo.

Với ngành kỹ thuật thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật phát triển thêm hướng đào tạo chuyên ngành sinh học thực phẩm. Theo đó, sẽ tập trung đào tạo ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các sản phẩm thực dưỡng, sản phẩm phục vụ sức khỏe. Riêng ngành công nghệ vật liệu có thêm ngành công nghệ hóa học vật liệu mới nhằm ứng dụng các phương pháp hóa học để tổng hợp vật liệu mới, vật liệu thông minh… phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.