Bên cạnh theo đuổi những ngành tiềm năng, học sinh, sinh viên cần trang bị các kỹ năng mềm đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Đòi hỏi kỹ năng mới
Công nghiệp 4.0, còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mô tả sự chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất. Công nghiệp 4.0 gắn liền với người máy (robot), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, dữ liệu lớn (Big Data) hay Internet của vạn vật (Internet of Things)… Kỹ thuật mới giúp cải thiện năng suất của các nhà máy sản xuất mà không cần đến sự tham gia của con người.
Ảnh hưởng lớn nhất từ công nghiệp 4.0 là tự động hóa các ngành sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Đây là những ngành nghề yêu cầu công việc lặp đi lặp lại, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nên việc vận dụng người máy, học máy giúp công việc trở nên đơn giản, thuận tiện hơn và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, 14% công việc tại 32 quốc gia sẽ chuyển sang tự động hóa đến 70%. 32% công việc khác sẽ chuyển sang tự động hóa từ 50 - 70%. Các doanh nghiệp sản xuất đang dần thay thế nhân viên bằng hình thức tự động hóa như sử dụng máy móc, người máy, trí tuệ nhân tạo… Trong nhiều thập kỷ tới, nhân công các ngành này có thể bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa.
Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Hoàng gia |Melbourne (RMIT), đối mặt với sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi sinh viên cần thích ứng với yêu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số và trau dồi kỹ năng mềm cần thiết.
Đầu tiên, phải kể đến khả năng làm việc online. Công nghệ 4.0 và đại dịch Covid-19 cho thấy tiềm năng của mô hình làm việc từ xa. Do đó, kỹ năng làm việc nhóm hiện tại không chỉ đơn giản là làm việc trực tiếp, mà còn cần sự kết nối có hiệu quả trên môi trường Internet. Điều này cũng chứng tỏ ứng viên sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ.
Kỹ năng quản lý thông tin cũng là yêu cầu từ nhiều doanh nghiệp. Internet đem lại cho mỗi người lượng thông tin khổng lồ, đa chiều. Do đó, khả năng chọn lọc thông tin dựa theo tính chân thực, mức độ quan trọng… và tối đa hóa chức năng nhận thức thông tin là kỹ năng cần thiết.
Với sự phát triển của công nghiệp 4.0 và sự chuyển đổi trong lĩnh vực công nghệ, yêu cầu về kỹ năng mềm cũng thay đổi linh hoạt. Một số kỹ năng mà cá nhân có thể trau dồi là kỹ năng phân tích, tư duy phản biện, làm quen với công nghệ mới, giải quyết vấn đề, sáng tạo, đổi mới, độc đáo…
Những ngành “hot” trong thời đại mới
Cơ hội việc làm thu hẹp bởi con người phải cạnh tranh với máy móc sẽ là nỗi lo của không ít người lao động kỹ năng thấp. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra hàng loạt công việc mới. Nhu cầu về hệ thống, thiết bị robot, tự động hóa tăng lên thúc đẩy hình thành những công việc liên quan đến thiết kế, phát triển, lắp đặt và bảo trì công nghệ cùng nhiều vị trí vận hành máy móc mới.
Các chuyên gia giáo dục toàn cầu nhận định, trong tương lai, công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực “khát” nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng. Bởi lẽ công nghệ thông tin đóng vai trò cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong nhiều năm qua, đây là nhóm ngành tiên phong và mang lại nhiều tính đột phá.
Xé nhỏ lĩnh vực giàu tiềm năng này, một trong những ngành nghề đang được quan tâm phải kể đến là khoa học dữ liệu. Đây là một trong những ngành hot nhất hiện nay vì lượng dữ liệu mà các công ty, khách hàng sử dụng đang tăng theo cấp số nhân. Các doanh nghiệp cần nhà khoa học dữ liệu giàu chuyên môn để sử dụng nguồn dữ liệu một cách có hiệu quả. Các nhà khoa học dữ liệu làm việc trong hầu hết các ngành như thương mại điện tử, tổ chức nghiên cứu, đại lý tiếp thị…
Nghề lập trình blockchain (chuỗi khối) cũng đang phát triển tích cực trong vài năm trở lại đây do sự xuất hiện của tiền điện tử (bitcoin). Tiền điện tử hoạt động dựa trên blockchain nên các chuyên gia tin rằng, công nghệ liên quan đến blockchain sẽ cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác nhau. Tại Mỹ, nhu cầu về lập trình blockchain đã tăng 2.000 - 6.000%. Lương của các nhà phát triển blockchain cũng cao hơn 50 - 100% so với các nghề truyền thống. Tuy nhiên, chuyên ngành này yêu cầu thành thạo nhiều kỹ năng như mật mã, lập trình…
Còn tại Ấn Độ, phát triển phần mềm là một trong những lĩnh vực phổ biến nhất. Khi ngày càng nhiều công ty hướng tới nền tảng kỹ thuật số và dựa vào các sản phẩm kỹ thuật số, nhu cầu tuyển dụng nhà phát triển phần mềm cũng tăng theo. Bên cạnh đó là chuyên gia an ninh mạng. Khi xã hội của chúng ta trở nên số hóa hơn, mối đe dọa từ các tổ chức và tội phạm mạng cũng ngày càng tăng theo. Các công ty và tổ chức trên toàn cầu dựa vào các chuyên gia an ninh mạng để giúp họ giải quyết những yếu tố khắc nghiệt này.
Dù không nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếp thị số (Digital Marketing) là ngành nghề phổ biến trong thời gian gần đây. Tiếp thị số là việc sử dụng Internet, thiết bị di động hay các kênh truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm để tiếp cận người dùng.
Tại Ấn Độ, tiếp thị số là một trong những ngành phát triển nhanh nhất với tốc độ 25 - 30% hàng năm. Một trong những ưu điểm của ngành này là không nhất thiết phải am hiểu công nghệ. Tiếp thị kỹ thuật số dựa trên sự kết hợp giữa trình độ kỹ thuật và sáng tạo với một số kỹ năng cần có như SEO, tiếp thị nội dung, tối ưu hóa nội dung, SEM…
Ngoài ra, khi phát triển và mở rộng hoạt động, một công ty đòi hỏi nhiều nhà quản lý hơn để đảm nhiệm các chức năng của nó. Do đó, nhu cầu về nhà quản lý là thường xuyên. Để theo đuổi sự nghiệp quản lý, hầu hết ứng viên cần có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), bằng sau đại học thường mất 2 năm để hoàn thành. Khóa học MBA giúp tìm hiểu các khái niệm cơ bản và nâng cao về kinh doanh, lãnh đạo, tinh thần kinh doanh và nhiều chủ đề liên quan.