Choáng váng với lý do hủy hôn lễ của vợ sắp cưới

Cho đến bây giờ anh vẫn còn ám ảnh với câu đay nghiến của người mà anh định lấy làm vợ: “Anh nghĩ xem lương anh còn 18 triệu, có đủ chi tiêu cho riêng các khoản sinh hoạt một tháng không?”

Choáng váng với lý do hủy hôn của vợ. Ảnh minh họa
Choáng váng với lý do hủy hôn của vợ. Ảnh minh họa

Theo như dự định đầu sang năm anh Hưng (Thanh Trì, Hà Nội) và bạn gái sẽ tổ chức đám cưới. Hai người đã lên kế hoạch sắm sửa trang bị nội thất cho tổ ấm. Vậy mà mới đây, bất ngờ người vợ sắp cưới này đã nói lời chia tay.

Nghĩ rằng vợ sắp cưới, trong lúc nóng giận sau trận cãi vã giữa hai người, nên đã nặng lời như vậy, anh Hưng đã làm lành. Tuy nhiên, đã hai tuần trôi qua người bạn gái này vẫn nằng nặc nói kiên quyết chia tay.

Bất ngờ hơn nữa khi tìm hiểu lý do anh Hưng như chết lặng khi biết được rằng chính vì thời gian gần đây công việc công ty anh không được tốt, lương anh bị giảm nhiều và điều này khiến bạn gái lo ngại và quyết định hủy hôn.

Cho đến bây giờ anh vẫn còn ám ảnh với câu đay nghiến của người mà anh định lấy làm vợ: “Anh nghĩ xem lương anh còn 18 triệu, có đủ chi tiêu cho riêng các khoản sinh hoạt một tháng không?”

Xa rồi “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”

Chuyện của anh Hưng không phải hiếm trong xã hội hiện đại. Những cô gái tập toạng bước vào hôn nhân lảng tránh “mái lều tranh” vì tình yêu không thắng nổi nỗi lo tương lai bấp bênh, con khổ, hay bản thân không chịu đựng nổi khó khăn...

“Thử hỏi con ốm không có tiền thuốc, mẹ chồng ốm không có tiền biếu… hỏi lúc này vợ chồng có còn đầm ấm được nữa”, nhiều cô gái đã lý giải như vậy khi quyết định chọn chồng giàu có.

Vậy nên dẫu không đến mức đặt mục tiêu có nhà riêng, xe hơi, tài khoản lớn… làm tiêu chuẩn chọn chồng nhưng hầu hết các cô gái cũng chỉ gật đầu đính ước hay “tấn công” những chàng trai có thu nhập khá.

Nếu không là ông chủ này, chủ nọ, đầu tư chỗ này, kinh doanh chỗ nọ thì lương tháng cũng phải tính bằng đơn vị chục triệu. Nhiều cô gái thậm chí còn không chịu làm quen với chàng trai nào chưa đạt đủ điều kiện kinh tế mà họ thấy.

Nói vậy không nhẽ những đàn ông thu nhập thấp ế vợ? Các cô gái vẫn lấy chồng nghèo, những người đàn bà vẫn làm vợ, làm mẹ nhưng họ coi cái sự nghèo là một điều kém may mắn. Nghèo được xem là một thứ bất hạnh.

Trong khi các nhà triết lý cho rằng tiền không làm nên hạnh phúc mà hạnh phúc nằm trong tình cảm, tình yêu, sự quan tâm, chia sẻ nhưng thực tế cuộc sống hiện đại dường như lại khiến người ta nghĩ khác.

Có rất nhiều người từng chạnh lòng, thậm chí né tránh tụ họp bạn bè chỉ vì ngại mình lụp xụp xe máy trong khi bạn bè một bước lên xe hơi và chào bạn qua bàn tay vẫy nơi cánh cửa kính.

Giờ mở miệng ra là người ta kể đi nhà hàng này nọ, nghỉ ở năm sao, hàng năm du ngoạn du lịch đây đó trong khi nhà mình quanh năm ngày tháng chỉ túm tụm trong xó nhà…

Chưa kể, ngay trong gia đình, việc kiếm tiền tốt cũng là một thước đo khả năng. Vợ thấy nể phục chồng hơn vì tài kiếm tiền. Chồng nể vợ vì giỏi xoay sở… Ai bảo hạnh phúc nằm ngoài đồng tiền.

Sự nghiệp sáng lạn

Nếu đứng giữa một người đàn ông rất giàu nhưng ít học với người kém giàu hơn nhưng có tương lai, sự nghiệp, hẳn nhiên phụ nữ sẽ chọn người thứ hai. 

Điều này khá dễ hiểu, phụ nữ ham tài, đàn ông giỏi giang có tương lai sự nghiệp luôn là sức hút. Khi ở bên một người chồng trí thức hay có tương lai họ sẽ có cảm giác yên tâm, con cái họ sẽ có tương lai tốt hơn.

Và người chồng trí thức sẽ mang lại cho họ những giá trị tinh thần khác như kiến thức, kinh nghiệm, sự từng trải… Đi bên một người chồng là sếp, ánh hào quang của danh vọng hẳn nhiên khiến họ tự hào, mở mày mở mặt hơn. Thậm chí với nhiều phụ nữ, sẵn sàng chọn chồng nghèo nhưng có tương lai sáng lạn.

Và nhiều người còn triết lý rằng sự nghiệp, tài năng mới là lâu bền và vững chãi còn tiền bạc chỉ là một thứ phù du, nay có mai mất.

Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân đề cao, nhiều người chọn sự nghiệp không chỉ đơn giản là chuyện tiền bạc mà đôi khi đó là sự tâm đầu ý hợp. Trong thời hiện đại, nhiều cô gái đặt ra tiêu chí rõ ràng kiểu như sẽ không lấy chồng là công an, bộ đội vì ngành nghề khô cứng…

Họ sẵn sàng từ bỏ những chàng trai giàu sang, quyền quý để đi theo những anh chàng nghèo nhưng có công việc, sự nghiệp mà họ đam mê.

Con ngoan, giỏi

Cuộc sống hiện đại và những thay đổi đang kéo theo những quan điểm mới về một gia đình hạnh phúc.

Từ bao đời nay, con cái luôn là niềm hạnh phúc lớn với mỗi cặp vợ chồng. Không con là một sự bất hạnh lớn. Tuy nhiên, nếu ngày xưa các bậc cha mẹ cứ đơn giản đông con nhiều cháu là vui thì ngày nay cha mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con mình.

Con phải học hành giỏi giang, đạt giải này giải nọ, đỗ vào trường danh giá. Dường như thời nay một gia đình chỉ được xem là điển hình của thành công và hạnh phúc khi có những đứa con đỗ đạt, du học châu Âu hay trường quốc tế danh giá nào đó.

Cuộc sống hiện đại đang và sẽ còn luôn đặt ra những chuẩn mực hạnh phúc mới cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải bao giờ, và không phải gia đình nào cũng có thể đi theo hết được những tiêu chuẩn đó.

Nhưng dẫu vậy, gia đình vẫn được xem là hạnh phúc nếu biết tích cóp niềm vui từ những nỗ lực và thành tích mà mình có.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân G. phục hồi tốt sau phẫu thuật, vận động linh hoạt, ăn uống ngon miệng, xuất viện sớm. Ảnh: BVCC

Cứu bệnh nhân nhão cơ hoành

GD&TĐ - Lần đầu tiên, robot phẫu thuật được ứng dụng tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã tạo hình cơ hoành cho người bệnh nhão hoành.