Chính phủ có nhiều chỉ đạo sâu sát và thiết thực với ngành giáo dục

GD&TĐ - Những quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ đối với đa diện các hoạt động giáo dục là nguồn cổ vũ to lớn cho toàn ngành cũng như tạo thêm niềm tin cho xã hội vào sự phát triển chung của giáo dục đào tạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành GD&ĐT tổ chức lễ khai giảng năm học thực sự vì học sinh (Ảnh: anninhthudo.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành GD&ĐT tổ chức lễ khai giảng năm học thực sự vì học sinh (Ảnh: anninhthudo.vn)

Kiên quyết đóng cửa một số cơ sở GD đại học yếu kém

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, trực tuyến tại 63 điểm cầu vào ngày 6/8.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phương án, đóng cửa một số cơ sở GD đại học chất lượng yếu kém kéo dài; kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh.

Thủ tướng yêu cầu rà soát sắp xếp các cơ sở giáo dục một cách mạnh mẽ hơn đảm bảo chất lượng, điều kiện phát triển gắn với trách nhiệm tự chủ, năng lực giải trình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019
 Tôi yêu cầu các đồng chí trình ra Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài để cải cách chứ không phải cho thời gian vô cùng để tiến bộ mà không tiến bộ được. Tôi cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh. 

Về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta bình tĩnh nhìn nhận vấn đề này. Trong khối trường đại học, nhiều trường hiện nay không đảm bảo điều kiện chất lượng. Việc hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào với điểm chuẩn rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện phòng học, thư viện, thí nghiệm không đủ… vẫn thành một trường. Chúng ta phải kiên quyết nhìn nhận, giải quyết thẳng thắn, không chấp nhận thực trạng chất lượng đào tạo quá thấp của một số trường. Chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề này để tránh mang tiếng”.

Nhân dịp tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào quá thấp để kinh doanh. Xã hội hoá là cần thiết, có tiền là cần thiết nhưng chất lượng giáo dục rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Giảm áp lực thành tích trong giáo dục, tổ chức lễ khai giảng năm học thực sự vì học sinh

Đây là nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT trong việc tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh ngay trong năm học mới sắp tới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành GD&ĐT tổ chức lễ khai giảng năm học thực sự vì học sinh. Cần rà soát các quy định, hướng dẫn, bao gồm cả các loại chuẩn, hình thức thi đua nhằm giảm áp lực có tính hành chính cho nhà trường, giáo viên, học sinh và khắc phục bệnh thành tích, hình thức, nhằm tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội, sự tham gia của phụ huynh học sinh vào các hoạt động của nhà trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến một nội dung mang tính cốt lõi trong các giải pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là việc đổi mới dạy học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, đổi mới các hình thức sinh hoạt Đoàn, Đội, làm tốt hơn hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Bên cạnh đó là việc đề cao trách nhiệm của các thầy, cô giáo tham gia giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, nêu gương người tốt, việc tốt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020

Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học mới 2019 - 2020 toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ trọng, cụ thể:

Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Một trong những sự kiện giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận là Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, trực tiếp với 63 điểm cầu, do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 - 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Vụ việc tại trường Gateway là bài học đau xót cho toàn ngành GD (Ảnh: Zing.vn)
Vụ việc tại trường Gateway là bài học đau xót cho toàn ngành GD (Ảnh: Zing.vn) 

Ngành GD sẽ rà soát, hướng dẫn cụ thể quy trình đảm bảo an toàn cho học sinh

Trong tuần qua, một sự việc đau lòng gây rúng độn dư luận liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, với vụ việc bé lớp 1 trường Gateway tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, không để tái diễn sự việc tương tự.

Đồng thời, yêu cầu Bộ GD&ĐT hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ phải rà soát, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo không để xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự như tại Trường Gateway (Hà Nội).

Thông tin này được Bộ trưởng nêu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 bậc học mầm non diễn ra ở Nha Trang, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã "đặc biệt lưu ý đến việc rà soát, bổ sung các quy định về hướng dẫn an toàn cho trẻ, trong đó có quy định cụ thể về dịch vụ đưa đón học sinh đến trường".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ