Giáo dục đạo đức, lối sống: Cần “thông suốt” nhận thức trong giáo viên

GD&TĐ - “Đa số các thầy cô giáo vẫn đang nỗ lực để làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng thường là tự phát, tùy hoàn cảnh cụ thể. Vì thiếu tính cụ thể và bài bản nên giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh thường “mạnh ai nấy làm”, “không làm không sao”, “có thi lối sống đâu mà lo”. Vậy nên, đầu tiên là cần “thông suốt” nhận thức trong giáo viên về chú trọng, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội)
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội)

Đó là quan điểm của cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD&ĐT.

Bắt đầu từ những người làm thầy

Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng: Sẽ không thể có hiệu quả trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh khi ta dạy đạo đức bằng cách giảng giải, bởi đạo đức được hình thành qua rèn rũa và trải nghiệm. Học trò thường ít làm theo khi nghe ta nói, nhưng lại làm theo khi được trải nghiệm, đặc biệt là khi nhìn thầy cô làm.

Nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường ta thường gặp, đó là: Năm điều Bác Hồ dạy; Tiên học lễ - Hậu học văn; Thi đua dạy tốt - học tốt; Tất cả vì học sinh thân yêu; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo,… và nghĩ đến 5 phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông mới (Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực và Trách nhiệm), soi ngẫm lại, thành thật với chính mình, cô Nhiếp cho rằng, còn thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa chia sẻ: Năm điều Bác Hồ dạy, lời đầu tiên là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Thế nhưng, khi nghe tiếng nhạc Quốc ca, thầy cô vẫn ngang nhiên đi trên sân trường thì thật khó để dạy học sinh rằng yêu Tổ quốc từ những hành động nhỏ nhất, đó là khi nghe nhạc Quốc ta ta dừng lại, nghiêm trang nhìn lên lá cờ Tổ quốc và hát bằng cả trái tim mình.

Khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt - học tốt”, nhiều thầy cô nỗ lực, kiên tâm để có những kết quả đáng nể phục. Nhưng cũng không ít thầy cô thi đua theo thời vụ, hoặc bắt phải thi đua và đôi khi lại là ganh đua.

Khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhiều thầy cô mẫu mực từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói, mày mò tự học, hết sáng tạo này lại sáng tạo khác để có những bài giảng hay, hấp dẫn, là tấm gương sáng cho học trò, cho đồng nghiệp noi theo. Nhưng còn không ít thầy cô lười đọc, rất ngại tự học, hay chê bai và bàn lùi với đổi mới.

“Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn” – cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ

Phải gắn với thi cử

Cho rằng, hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phải gắn và tương đồng với thi cử ở tất cả các khối lớp, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ: Thực tế, các môn học - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, có thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như dạy người người ta luôn phải “thi” suốt đời là lối sống và ứng xử lại chưa được chú trọng.

Có thể khẳng định rằng giáo dục con người thành công sẽ tạo được kết quả trước cả khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Còn giáo dục bất thành công là khi học trò đỗ với tấm bằng tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn ngơ ngác, bơ vơ và nông cạn trước nhiều cảnh huống. Ấy là vì các em bị thiếu hụt, không có những kỹ năng sống tốt cuộc sống của con người.

Ta thường nói “học chữ song song với học làm người” hoặc “dạy người thông qua dạy chữ” chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt. Cần có sự chỉ đạo, bắt đầu ngay và ở tất cả các lớp ở nhà trường hiện nay.

Cũng theo cô Nhiếp, giáo dục lối sống thực ra không thể làm là được ngay kết quả, nó cần quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Quan niệm chỉ học đạo đức lối sống khi chương trình sẵn sàng, chờ đồng bộ... là quan niệm sai lầm bởi mỗi một lứa học sinh là ta mất một thế hệ con người Việt Nam bị khuyết thiếu về đạo đức lối sống.

“Có thể đề xuất, lực lượng dạy đạo đức lối sống hiệu quả nhất là giáo viên chủ nhiệm, tránh chỉ nghĩ đó là việc của những giáo viên dạy các bộ môn xã hội. Mỗi giáo viên dù dạy môn gì cũng tự tỏa sáng từ trong cốt cách của mình đã là đang dạy đạo đức, lối sống. Tổ chức Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên cũng có thể tổ chức sáng tạo, tích cực với những bài học nếp sống và định hướng hình thành lối sống cho học sinh. Nhà trường chủ động tổ chức các chuyên đề về đạo đức lối sống cho học sinh và mời cha mẹ học sinh (cấp độ lớp/trường) là một giải pháp rất hiệu quả” – cô Nhiếp nếu giải pháp.

“Trong công tác giáo dục học sinh, người làm thầy có tâm với nghề luôn hiểu việc sâu sát, nắm chắc đối tượng là quan trọng, nhưng giáo viên có tầm thì biết rằng sâu sát kiểu cơ học sẽ không làm chuyển biến từ gốc trong suy nghĩ, nếp sống, tình cảm của học trò. Điều quan trọng là người thầy hiểu sự biện chứng và biết kết hợp và giữa sâu sát cụ thể với khái quát rộng mở để xây dựng kế hoạch giáo dục và chủ động suốt hành trình giáo dục ấy”.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

EU trên đường 'cai' khí đốt Nga

GD&TĐ - Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, khối EU đã thực hiện lộ trình 'cai dần' nguồn khí đốt Nga.