Chính phủ ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 8

GD&TĐ - Chiều 20/9, Bộ Tư pháp phát đi thông cáo báo chí cho biết, trong tháng 8/2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 9 Nghị định của Chính phủ và 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.  

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới

Trong đó, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ gồm 7 chương, 20 điều quy định về: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ; kiểm tra, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hữu cơ; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Nghị định gồm 4 chương, 24 điều quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể, quy định chung về: Chính sách của Nhà nước về lễ hội; nguyên tắc tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; tạm ngừng tổ chức lễ hội; đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội.

Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Nghị định bổ sung thêm đối tượng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Ngoài ra, bổ sung trường hợp tinh giản biên chế: Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định còn sửa đổi một số đối tượng tinh giản biên chế đã quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Trong đó, có trường hợp những người đã là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.

Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Quyết định gồm 5 chương, 36 điều quy định về: Nhiệm vụ của GS và PGS; tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại cơ sở GD ĐH; xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại Hội đồng GS Nhà nước; bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại cơ sở GD ĐH; xét hủy bỏ công nhận chức danh GS, PGS; miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.