Loay hoay “cởi trói” cho doanh nghiệp vận tải

GD&TĐ - Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vận tải bằng ô tô đang bị coi là tiếp tục “trói” các doanh nghiệp (DN). 

Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vẫn chưa có những đổi mới, tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vẫn chưa có những đổi mới, tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Đặc biệt là những quan điểm trái chiều liên quan đến vấn đề thu thuế, cũng như hoạt động của taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn chưa được giải quyết, tuy dự thảo mới cắt bỏ được 12 điều kiện, nhưng lại “mọc” thêm tới 85 ĐKKD mới càng làm khó cho DN vận tải…

Nhiều bất cập

Góp ý về Dự thảo của Nghị định 86 sửa đổi tại Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và ĐKKD” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, các chuyên gia và đại diện nhiều DN đã chỉ ra hàng loạt những bất cập gây khó khăn cho người dân và DN cần phải được thay đổi trong dự thảo mới này. Cụ thể như việc trong dự thảo mới tuy đã cắt bỏ 12 ĐKKD, nhưng lại bổ sung thêm 85 ĐKKD khác. Trong đó có 64 ĐKKD bổ sung mới, 21 ĐKKD bổ sung theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải…

Nói về dự thảo của Nghị định 86 sửa đổi, ông Nguyễn Mạnh Hà - đại diện Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho rằng, còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, gây khó khăn và can thiệp quá sâu, gây trở ngại trong việc kinh doanh của DN.

Cụ thể, như việc trong một tháng mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau. Chẳng hạn, một xe ô tô ký hợp đồng với một DN khác đưa đón từ điểm A đến điểm B khoảng 20 chuyến… Nhưng nay với quy định mới của dự thảo sửa đổi thì DN vận tải chúng tôi sẽ phải mua thêm xe, cũng như tìm thêm khách hàng mới nhằm đảm bảo xe không chạy quá 30% tổng số chuyến của xe đó trong tháng có cùng thời điểm khởi hành và kết thúc.

Hay việc DN kinh doanh vận tải theo hợp đồng và lái xe không được gom khách, không được xác nhận đặt chỗ cho mỗi khách đi xe. Đặc biệt là bất cập trong việc DN vận tải chỉ được ký hợp đồng đối với một tổ chức cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe, đối với mỗi chuyến xe DN chỉ được ký kết với một hợp đồng duy nhất…

Đồng quan điểm trên, đại diện của Công ty TNHH Thành Bưởi (TPHCM) cho rằng, các quy định của dự thảo sửa đổi Nghị định 86 nặng tính áp đặt, không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, mang nhiều cảm tính, cũng như “bức tử” xe hợp đồng, đồng thời bảo hộ cho các DN vận tải tuyến cố định…

“Trói” taxi truyền thống, thả taxi công nghệ

Một trong những quy định của Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần này được quan tâm, cũng như tranh luận gay gắt nhất đó chính là hoạt động của hai hãng taxi công nghệ (Uber, Grab) và taxi truyền thống.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 đang được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng nhằm mục đích cắt giảm ĐKKD cho DN vận tải… Tuy nhiên, các chuyên gia, các DN vận tải cho rằng, nội dung của dự thảo chưa có những đổi mới cần thiết, chưa đủ mạnh theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, cũng như chưa thể hiện được tinh thần “cởi trói” cho các DN kinh doanh vận tải… 

Bức xúc về vấn đề này, ông Trương Đình Quý – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) cho biết, các DN kinh doanh taxi công nghệ cũng như taxi truyền thống cần phải bình đẳng và chịu sự quản lý như nhau.

Bởi nếu nói về mặt bản chất kinh doanh, hai loại hình này hoàn toàn giống nhau đều là taxi. Tuy nhiên, không hiểu về lý do gì mà trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 Bộ Giao thông Vận tải lại chia ra làm hai (hợp đồng dịch vụ taxi và hợp đồng điện tử) để từ đó áp đặt các ĐKKD khác nhau, gây ra sự bất công, không công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Ông Quý cho rằng, hai loại taxi phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, kinh doanh trên cùng một thị trường, cung cấp một dịch vụ như nhau… Thế nhưng xe taxi truyền thống lại phải chịu tới 13 ĐKKD khác như: Quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, niên hạn xe, cấm đường, phù hiệu, giờ chạy xe tốt…, trong khi đó các loại xe taxi công nghệ lại được thả lỏng hoàn toàn.

Theo ông Quý, chỉ nói riêng việc “lách” được cấm đường, khách hàng đã bỏ taxi truyền thống để chuyển sang taxi công nghệ. Ngoài ra, có các lợi thế khác về chi phí cũng sẽ giúp taxi công nghệ phát triển nhanh chóng hơn. Khi đó, chắc chắn taxi truyền thống sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.