Bị "dụ" đến hội thảo bán hàng đa cấp
Mỗi lần nghe đến cụm từ “Bán hàng đa cấp” hay “Hội thảo bán hàng đa cấp”, Ngọc Hân (SN 1991, cựu sinh viên K09504 trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) lại nhớ về câu chuyện buồn cách đây 6 năm, khi cô vừa bước chân vào giảng đường đại học.
Tháng 9/2009, Ngọc Hân vào TP.HCM bắt đầu đời sinh viên. Cuộc sống mới tuy còn bỡ ngỡ, Ngọc Hân cảm nhận được sự thay đổi lớn trong suy nghĩ: Đầy hy vọng và hứng khởi.
Khác với thời cấp ba, Ngọc Hân tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, làm quen bạn bè. Trong những lần đó, Ngọc Hân tình cờ gặp lại cậu bạn học chung lớp học thêm mà cô theo học vào hè lớp 11 ở TP.Vinh (Nghệ An).
“Ở lớp học thêm, bọn mình ngồi gần nhau, nói chuyện khá hợp. Khi mình quay về quê, hai đứa mất liên lạc. Không ngờ lại gặp nhau ở Sài Gòn.”, Ngọc Hân kể.
Nhắn tin qua lại một thời gian, một hôm, cậu bạn rủ Ngọc Hân tham gia hội thảo dành cho tân sinh viên. “Cậu ấy bảo tham gia hội thảo tạo điều kiện cho tân sinh viên gặp gỡ nhiều người thành công, nghe họ chia sẻ bí quyết, được thu nhận nhiều kiến thức bổ ích và còn có cơ hội tìm được công việc làm thêm thu nhập cao”, Ngọc Hân cho biết.
Nể bạn nhiệt tình, cộng với việc bị thu hút bởi lời giới thiệu, Ngọc Hân đồng ý tham gia buổi hội thảo.
Nơi Ngọc Hân đến là một hội quán dành cho sinh viên ở làng đại học Thủ Đức (TP.HCM). Tại đây, cô nhận thấy có nhiều bạn trẻ tham gia, mọi người ngồi thành vòng tròn, tạo thành khoảng trống bên trong.
Sau thời gian chờ đợi, một người đàn ông trẻ tuổi đầu tóc gọn gàng, mặc veston đen, thắt cravat, đi giày da bóng lộn, tay xách cặp đen xuất hiện. Người đó đứng ở vị trí trung tâm, tự giới thiệu là giám đốc bán hàng của công ty TNHH T.N.M.U.
Chiêu trò lừa đảo
Ngọc Hân kể: “Người đó rất hoạt ngôn, nói nhanh và không vấp đoạn nào. Tuy nói cuộc hội thảo dành cho sinh viên, nhưng mình cảm thấy giống như anh ấy đang quảng cáo về bản thân, về công ty và sản phẩm của họ hơn.
Nào là anh đến với công việc như duyên phận đưa đẩy; anh đi làm từ khi đang sinh viên, ra trường có việc làm ổn định và chỉ trong vài năm đạt được vị trí giám đốc; rồi công ty bọn anh làm việc uy tín, nhận được nhiều giải thưởng lớn…”.
Như lời Ngọc Hân, sau màn “tự PR”, người này bắt đầu chuyển hướng theo kiểu “các em cũng có thể thành công như anh…”. “Mình không nhớ cụ thể người đó nói gì, đại ý là những người tham gia buổi hội thảo có cơ hội được gia nhập vào công ty. Chỉ cần bỏ ra khoản tiền nhỏ mua sản phẩm, sinh viên nhận được rất nhiều lợi ích như tiền lương cao, chia tiền hoa hồng theo tỷ lệ ‘siêu lãi suất’, công việc nhàn hạ, được làm nhân viên chính thức ngay khi còn đi học, được tham gia các buổi hội thảo và có quà mang về, được đi du lịch…”, Ngọc Hân nhớ lại.
Điều kỳ lạ mà Ngọc Hân nhận thấy ở buổi hội thảo là trừ một vài bạn ngơ ngác, cứ sau mỗi đoạn phát biểu, toàn bộ hội quán vỗ tay đều răm rắp tỏ vẻ sùng bái, thần tượng người trước mặt.
Trong khi người đàn ông thuyết trình, vài người khác cũng quần áo chỉnh tề mang sản phẩm đa dạng về chủng loại như dầu gội, kem đánh răng, thuốc… đến từng người tham dự.
Ngọc Hân chia sẻ, ban đầu cô cũng bị thuyết phục trước tài ăn nói của người đàn ông. Tuy nhiên, số tiền 3,5 – 4 triệu đồng để mua sản phẩm là quá sức đối với một tân sinh viên tỉnh lẻ như cô.
Biết được băn khoăn của Ngọc Hân, người tư vấn gợi ý: “Em có thể vay mượn bạn bè hoặc nói dối bố mẹ rằng đầu năm cần đóng nhiều khoản. Sau thời gian ngắn, em sẽ nhận lại số tiền gấp nhiều lần ban đầu em đóng”.
“Nghe đến đó, mình dập tắt hoàn toàn ý định mua hàng của công ty kia. Thử hỏi, nếu là nơi tử tế, ai lại chỉ cho mình cách nói dối bố mẹ chứ”, giọng Ngọc Hân có phần gay gắt hơn.
Ngay tức thì, Ngọc Hân gọi cậu bạn ra ngoài, chất vấn chuyện vì sao dẫn cô đến buổi hội thảo dạy cách dối trá. Ánh mắt lảng tránh, cậu bạn không giải thích gì, chỉ nói Ngọc Hân có thể về nếu không muốn mua, cậu ta không ép.
Chán nản, Ngọc Hân bỏ về và không còn liên lạc với cậu bạn kia nữa.Bẵng đi một thời gian, Ngọc Hân mới biết rõ chuyện về cậu bạn.
Theo đó, cậu bạn là nạn nhân của bán hàng đa cấp. Ban đầu, cậu ta cũng như Ngọc Hân đến tham gia hội thảo dành cho sinh viên. Tuy nhiên, buổi hội thảo không hướng dẫn điều tích cực cho sinh viên mà nhăm nhe kêu gọi mua sản phẩm.
Khác với Ngọc Hân kịp thời phát hiện vấn đề, cậu bạn bị mờ mắt bởi vô số lợi ích T.N.M.U vẽ ra. Sau buổi hội thảo, cậu bạn “khai gian” thêm học phí, rồi dồn tiền mua hàng.
“Siêu” lợi nhuận chưa thấy, sau mỗi buổi hội thảo, cậu bạn chạy khắp nơi mượn tiền từ bạn bè đến người thân để tiếp tục mua hàng. Đến khi tiền nợ lên đến hàng chục triệu đồng, không có tiền trả, cậu bạn chuyển sang đi lừa, mồi chài người khác tham gia “đường dây”. Ngọc Hân là một trong số đó.
“Lúc biết chuyện, mình rất buồn. Vì tiền, cậu ấy bị những lời phi lý làm mông muội, rồi bán đứng cả bạn bè. Có thể, cậu ấy chưa nhẫn tâm lừa mình đến cùng, nhưng tình bạn giữa hai đứa xem như chấm dứt từ sau buổi hội thảo”, Ngọc Hân xót xa.