Chiêu mộ nhân tài

GD&TĐ - Thu hút nhân tài cho đất nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng không phải vấn đề mới, nhưng trong mọi giai đoạn, đây là vấn đề luôn có tính thời sự.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Từng có giáo viên xin ra khỏi ngành vì thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Thậm chí, cử nhân sư phạm tốt nghiệp loại giỏi cũng phải “trầy trật” mới vào được ngành Giáo dục. Vào rồi mới biết, mức lương khởi điểm khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, ngành Giáo dục đã và đang làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền của mình để hỗ trợ, thu hút giáo viên giỏi. Không ít địa phương đã “trải thảm đỏ” để chiêu mộ nhân tài cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong đó, phải kể đến Sở GD&ĐT Quảng Nam và Sở GD&ĐT Nghệ An đã tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi trở lên theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”.

Gần đây nhất, tỉnh Tuyên Quang có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại trường THPT chuyên và các trường THPT trọng điểm trên địa bàn. Chế độ ưu đãi mà địa phương này đưa ra là tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển; hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng với mức hỗ trợ: Tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lênhưởng tương đương 55 lần theo mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc là 50 lần; tốt nghiệp loại giỏi là 45 lần.

Nói như vậy không có nghĩa thu nhập là yếu tố quyết định để thu hút nhân tài, bởi bên cạnh đó cần tạo môi trường làm việc để người giỏi có điều kiện và cơ hội phát huy, cống hiến. Nói cách khác, cần có “đất” để nhân tài “dụng võ”. Suy cho cùng, vấn đềnằm ở cơ chế chính sách. Đó là nền tảng, bởi khi chính sách được khai phóng, ắt sẽ có môi trường làm việc và thu nhập tốt.

Nói như GS Dave Ulrich - người được Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là “nhân vật số một thế giới về nhân sự” và là “bộ óc quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới”: “Giỏi” mới chỉ là điều kiện cần, một người muốn trở thành nhân tài thực thụ còn phải hội đủ nhiều yếu tố khác nữa. Sự khác nhau không chỉ thể hiện trong quan niệm về nhân tài mà còn dựa trên các yếu tố nhận biết cũng như chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Còn nhớ, tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài được các đại biểu thảo luận sôi nổi; trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực: Đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng; quy hoạch bổ nhiệm; chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi và tôn vinh.

Đặc biệt, vấn đề chính sách tiền lương, tiền thưởng và môi trường làm việc được đại biểu đề cập đến nhiều hơn cả. Đã có đại biểu đề xuất, chế độ tiền lương của nhà giáo cần được tính như của ngành công an, quân đội. Bởi khi có đãi ngộ đúng mức, môi trường làm việc thuận lợi sẽ là chất xúc tác, tạo động lực và sức hấp dẫn của nghề giáo. Khi đó, chúng ta sẽ sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Ấm tình nẻo xa

GD&TĐ - Phan vân vê vỏ bao thuốc trên tay. Mọi lần hết thuốc là hắn đã băng sang tiệm tạp hóa bên kia đường mua, hôm nay lạ.