“Chìa khóa vàng” thu hút nhân tài

GD&TĐ - Sau thời gian thực hiện tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có bước đột phá trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp danh tiếng học thuật của trường từng bước thăng hạng.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2020. Ảnh: TG

Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, tự chủ đại học chính là “chìa khóa” để thu hút và giữ chân người giỏi.

Bài toán thu nhập

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ: Sau hơn 3 năm tự chủ toàn diện và triệt để, nhà trường gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Tự chủ đại học chính là “chìa khóa vàng” giúp nhà trường thu hút và giữ chân được người giỏi (cả cán bộ, giảng viên và sinh viên) vào trường.

Lý giải về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng phân tích: Khi thực hiện cơ chế tự chủ, nhà trường được tự chủ về tài chính (thu học phí cao hơn để bảo đảm chất lượng đào tạo tốt hơn). Theo đó, chiến lược của nhà trường là dành gần 80% ngân sách để đầu tư vào con người. Khi cán bộ, giảng viên, nhà khoa học có thu nhập ổn định mới đủ tâm huyết để cống hiến cho nhà trường. So với trước khi tự chủ, mức thu nhập của cán bộ, giảng viên tăng hơn 2 lần. Cụ thể, trước đây bình quân thu nhập theo đầu người khoảng 14 triệu đồng/tháng, thì nay tăng lên gấp đôi. Đơn cử như năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người là 27 triệu đồng/tháng. 

Cho rằng “có thực mới vực được đạo”, PGS Đỗ Văn Dũng trao đổi: Khi đội ngũ cán bộ, giảng viên được trả mức thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra, không những giữ chân được người giỏi của trường ở lại, mà còn thu hút số lượng lớn những người từ trường khác và các nghiên cứu sinh đang nghiên cứu ở nước ngoài về trường. Nếu như trước khi tự chủ đại học, cả trường có khoảng 50 tiến sĩ,  nay con số này lên đến 250, tăng gấp 5 lần so với trước. Dự kiến, số lượng tiến sĩ, các nhà khoa học còn tăng lên.

Cũng theo PGS Đỗ Văn Dũng khi thực hiện cơ chế tự chủ, nhà trường có nguồn lực để đầu tư vào các phòng thí nghiệm, trang thiết bị giảng dạy. Trước khi tự chủ, để đầu tư 20 tỉ đồng/năm vào phòng thí nghiệp là sự cố gắng lớn. Thế nhưng, khi thực hiện tự chủ, mức đầu tư này có thể lên đến hơn 100 tỉ đồng. Mới đây, nhà trường đầu tư hơn 200 tỉ cho 12 phòng thí nghiệm. Có thể nói, hầu hết các chỉ số đều tăng gấp 5 lần so với trước đây.

Giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học từ nước ngoài về, họ đang tiếp xúc với những thiết bị hiện đại. Vì thế, nếu mình không đầu tư, sẽ bị lạc hậu và ảnh hưởng lớn đến việc thu hút và giữ chân các nhà khoa học tài năng. Tuy nhiên, để đầu tư phòng thí nghiệp với số tiền lớn như vậy, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu”. Cơ chế tự chủ chính là “cứu cánh” để Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện và đạt được mục tiêu, trong đó có nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đơn cử, năm học 2019 - 2020, số bài báo ISI tăng gấp đôi, cán mốc 110 bài.

Điều kiện cần và đủ

“Khi đầu tư mạnh vào các nguồn lực nêu trên, danh tiếng của nhà trường từng bước được nâng lên. Theo đó, chất lượng tuyển sinh (đầu vào) không ngừng tăng. Nhà trường đã thu hút được nhiều thí sinh giỏi, tài năng vào học. Điểm xét tuyển đầu vào tăng 10 điểm so với thời kỳ chưa thực hiện tự chủ. Năm 2020, có 31 ngành đào tạo với mức điểm chuẩn đầu vào đạt từ 24 điểm trở lên, không có ngành nào dưới 20 điểm” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh. 

Tự hào về những “trái ngọt” sau 3 năm thực hiện cơ chế tự chủ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay: Năm 2020, tuyển sinh thành công với điểm đầu vào cao kỷ lục. Lần đầu tiên robot, Trí tuệ nhân tạo và Big data được sử dụng trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Công tác bảo đảm chất lượng tiếp tục lập kỷ lục mới với 14 chương trình đào tạo chuẩn quốc tế AUN-QA. 85% sinh viên tốt nghiệp chưa nhận bằng đã có việc làm. Doanh nghiệp hợp tác với trường trong mọi hoạt động. Số tiền tài trợ đạt kỷ lục 15 tỉ đồng trong 1 lễ khai giảng. 

Đặc biệt, 3 năm liền, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đạt giải Nhất quốc gia sinh viên nghiên cứu khoa học và EUREKA, giải Nhì sáng tạo khởi nghiệp quốc gia. 2 đội sinh viên của trường đại diện cho Việt Nam lọt vào vòng chung kết cuộc thi sáng tạo khu vực do Chính phủ Singapore tổ chức. Sinh viên của trường cũng vô địch cuộc thi Siêu trí tuệ Việt Nam. 

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tự chủ đại học mở ra nhiều cơ hội để các trường bứt phá, tạo môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thuận lợi để thu hút nhân tài. Mới đây, nhóm 7 trường ĐH kỹ thuật ký kết hợp tác toàn diện về các lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo và truyền thông. Sự liên kết này chính là một trong những mục tiêu tạo ra môi trường làm việc tốt hơn. Các trường có thể chia sẻ về tài nguyên, thu hút được thầy cô có cùng chí hướng để tạo ra nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, tạo môi trường học thuật, nghiên cứu tốt hơn để thu hút  người giỏi vào làm việc.

Môi trường học tập, nghiên cứu và đầu vào sinh viên tốt, “đầu ra” sẽ tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này tác động ngược trở lại quá trình tuyển sinh của nhà trường. Nó giống như vòng tròn chất lượng, người hưởng lợi là sinh viên, nhà trường và đơn vị sử dụng lao động. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.