Chiến thuật ôn tập môn tiếng Anh thi vào lớp 10 theo thời gian thi mới

GD&TĐ - Cô Kim Ngân cho biết, đề thi môn tiếng Anh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội đánh giá năng lực ở bốn phần gồm phát âm, ngữ pháp, từ vựng và đọc hiểu. Trong đó, thí sinh cần nắm chắc từ vựng và ngữ pháp.

Học sinh lớp luyện thi tiếng Anh vào 10 của cô Kim Ngân. Ảnh: NVCC.
Học sinh lớp luyện thi tiếng Anh vào 10 của cô Kim Ngân. Ảnh: NVCC.

Là giảng viên khoa Tiếng Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện cho thí sinh thi vào lớp 10. Trong giai đoạn nước rút, cô Ngân chia sẻ những chiến thuật đưa nhiều thế hệ học sinh trúng tuyển các trường top đầu Hà Nội như THPT chuyên ĐH Sư phạm, Chu Văn An, Phan Đình Phùng.

Những kiến thức cần lưu ý

Cô Ngân nhận xét đề môn tiếng Anh thi vào lớp 10 đa phần nằm ở mức độ nhận biết. Để đạt kết quả cao, thí sinh nên lưu tâm tới kiến thức từ vựng và ngữ pháp.

Đề thi không giới hạn về từ vựng nhưng thường liên quan đến chủ đề đã học trong sách giáo khoa. Các từ thông dụng, thuộc các chủ đề quen thuộc ngoài cuộc sống như cuộc sống thành thị, nông thôn; ô nhiễm; bảo vệ môi trường; thiên tai,… Vì vậy, học sinh không nên bỏ qua việc học từ vựng trong sách. Đây là nền tảng để các em đạt được trọn vẹn phần điểm còn lại.

Đối với câu hỏi phát âm, học sinh cần nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, tự tổng hợp lại các quy tắc phát âm/trọng âm. 

Nội dung ngữ pháp nằm ở mức độ cơ bản, có đến 90% kiến thức trong sách giáo khoa. Trong đề, ngữ pháp nằm ở hầu hết các câu hỏi như câu điều kiện, câu bị động, so sánh, câu tường thuật, mệnh đề quan hệ,... Học sinh nắm chắc phần này cơ bản có thể làm tốt được 70% bài thi.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: NVCC.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: NVCC.

Câu hỏi ở mức vận dụng cao, nhằm phân loại học sinh, sẽ nằm ở dạng bài từ vựng như đọc điền từ và dạng bài đọc hiểu, chiếm không quá 1/3 bài thi. Bởi dù từ vựng và ngữ pháp xuất hiện trong bài đọc không quá khó, học sinh cần phải có kỹ năng đọc tốt để hiểu được nội dung, tìm dẫn chứng cho câu hỏi ở những vị trí khác nhau. Nhiều em kiến thức chưa thực sự vững sẽ dễ nản chí ngay từ đầu, từ đó dẫn đến đạt điểm không cao cho phần thi này.

Kiến thức từ vựng khó sẽ tập trung hỏi về từ loại, các cụm từ cố định, cụm động từ,… liên quan đến những chủ đề mà các em đã được học. Bên cạnh đó là dạng bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, đòi hỏi học sinh bắt buộc phải có vốn từ tốt. Đây cũng là dạng bài điểm 9+ giúp phân loại những học sinh giỏi môn tiếng Anh.

Một dạng bài mà học sinh rất dễ mất điểm là dạng bài tìm câu đồng nghĩa. Câu hỏi thường là nội dung ngữ pháp cơ bản như câu điều kiện, câu bị động, liên từ,… Tuy nhiên, điều khiến thí sinh mất điểm là 4 đáp án khá giống nhau, thậm chí đáp án đúng và đáp án sai chỉ khác nhau một chữ cái. Học sinh mang tâm lý chủ quan với những phần kiến thức dễ có thể mất điểm oan khi làm dạng bài này.

Học sinh giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi sắp tới. Ảnh: NVCC.
Học sinh giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi sắp tới. Ảnh: NVCC.

Đổi mới chiến thuật ôn luyện

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra quyết định thay đổi về thời gian thi của các môn. Trong đó thời gian thi môn Tiếng Anh rút ngắn từ 60 phút còn 45 phút và đề thi cũng không còn là cấu trúc 40 câu như trước đó mà được thay đổi thành đề trắc nghiệm 30 câu.

Cô Ngân đánh giá việc rút ngắn thời gian thi và thay đổi số lượng câu trong bài thi nhằm tuân theo đúng quy định và chủ trương của nhà nước, đảm bảo được sức khỏe của các em học sinh tham gia dự thi. Đây là điều hoàn toàn cần thiết cho sức khỏe các em cùng gia đình nói riêng và cho đất nước nói chung.

Ngoài ra, do đề thi rút gọn chỉ còn 30 câu nên các phần kiến thức sẽ được giảm tải, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Vậy nên đây là một cơ hội rất lớn để các em có thể ôn tập kĩ các kiến thức trọng tâm nhưng vẫn đảm bảo sự “cạnh tranh” để đạt nguyện vọng của mình.

Tuy nhiên, việc thay đổi khá gấp gáp trong giai đoạn nước rút này ít nhiều gây hoang mang cho thí sinh. Nếu theo cấu trúc đề 40 câu, mức điểm của mỗi câu sẽ là 0,25 điểm nhưng theo đề mới, mức điểm mỗi câu sẽ tăng lên 0,33 điểm. Hơn nữa trong cả năm học, thí sinh đã quen ôn luyện theo đề 60 phút và cấu trúc 40 câu nên các em cần hết sức chú ý với việc căn thời gian làm bài sao cho phù hợp với cấu trúc đề thi mới.

Cô Ngân gợi ý: Đầu tiên, do đề thi đã được giảm tải phần, thí sinh cần ôn tập kĩ, nắm chắc các phần kiến thức cơ bản để đạt được một số điểm nhất định.

Tiếp theo, do đề thi không thay đổi quá nhiều về các dạng bài, không có thêm dạng mới nên vẫn cần ôn tập đủ các dạng. Đây là phương pháp để các bạn học sinh có thể “ăn điểm” trong bài thi của mình, tránh trường hợp chủ quan không ôn tập một số dạng bài và mất điểm đáng tiếc.

Cuối cùng, thí sinh cần căn thời gian làm bài khoa học bởi việc phân bổ thời gian làm bài cho từng phần là vô cùng cần thiết, nhằm tránh vấn đề tâm lý, tránh các trường hợp “thiếu” hay “thừa” thời gian làm bài gây nên các hậu quả đáng tiếc.

Một yếu tố quan trọng khác là kỹ năng đọc đề. Thông thường, học sinh sẽ đọc lướt để làm nhanh các câu dễ, dẫn đến hiểu sai đề và chọn sai đáp án, đặc biệt là ở bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Như vậy, cẩn thận là ưu tiên hàng đầu.

Mặc dù thời gian làm bài 45 phút trôi qua tương đối nhanh, thí sinh hãy cố gắng dành ra ít nhất 5 phút để kiểm tra lại đáp án sau khi làm xong vì rất nhiều trường hợp khoanh nhầm đáp án hoặc bỏ sót. Những câu chưa làm được các em có thể đánh dấu để tránh việc quên tô đáp án. Trong thời gian đó, các em hoàn toàn có thể kịp thời hoàn thiện lại bài làm của mình một cách tốt nhất.

"Tôi hy vọng rằng, dù với sự thay đổi hơi gấp rút này, toàn bộ học sinh lớp 9 cũng như các bậc phụ huynh đảm bảo sức khỏe, có kế hoạch ôn tập phù hợp và chiến thuật làm bài thông minh để đạt được số điểm cao nhất, đạt được nguyện vọng vào các trường THPT mà các em mong muốn. Chúc các em học sinh lớp 9 có một kì thi thành công!" - Cô Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn gửi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ