Bám sát sách giáo khoa
Nguyễn Ngọc Cẩm Ly chia sẻ: Em rất may mắn vì được các thầy cô giáo vô cùng tâm huyết giảng dạy, nên trong quá trình ôn luyện các cô luôn theo sát và nhắc nhở và động viên chúng em ôn tập, tập thể lớp cùng cố gắng, giúp đỡ lẫn nhau.
Về phần cá nhân em, em muốn nhắn nhủ và chia sẻ vài điều, mong là sẽ có ích đối với các em chuẩn bị thi vào lớp 10 năm nay. Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là, mọi kiến thức đều nằm trong chương trình, sách giáo khoa.
Kinh nghiệm của em là cố gắng học tới đâu, nắm vững kiến thức tới đó. Trên lớp, chăm chú nghe thầy cô giáo giảng để hiểu bài ngay trên lớp, cố gắng hoàn thành các bài tập mà thầy cô giáo giao trên lớp để nắm vững kiến thức, có gì không hiểu có thể hỏi các bạn hay hỏi trực tiếp thầy cô giáo. Về nhà, dành thời gian luyện tập và củng cố kiến thức bằng việc tự giải bài tập về nhà, luyện đề, sau đó chữa và rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân.
Bí quyết duy nhất là chăm chỉ
Thủ khoa đầu vào lớp 10 của Hà Nội năm 2020 chia sẻ: “Chăm chỉ” là bí quyết duy nhất của em. Cô giáo Nguyễn Thị Lâm Hải – cô giáo dạy Văn của lớp em luôn nhắc nhở “Trên con đường đi đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Câu nói của cô cũng chính là động lực giúp em vượt qua kì thi”.
Chia sẻ thêm về cách ôn tập hiệu quả các môn thi, Cẩm Ly cho hay, mỗi môn học có đặc thù riêng nên cần có “chiến thuật” ôn tập phù hợp từng môn.
Đối với môn Toán: Học kĩ và cố gắng áp dụng nhuần nhuyễn các công thức vào giải nhiều dạng bài khác nhau, sau một thời gian thì cố gắng luyện các đề có cấu trúc như đề thi vào 10.
Với môn tiếng Anh, chú trọng vào ngữ pháp kết hợp với việc giải đề, tìm ra những lỗ hổng và nhanh chóng khắc phục.
Nên phân bố thời gian ôn tập hợp lí: Không nên học liền mạch, mà cứ 45-60 phút, nghỉ giải lao một lần khoảng 10 phút. Khi học thì hạn chế sử dụng điện thoại để tránh bị xao nhãng.
Với môn Ngữ Văn: Nắm vững các văn bản văn học là một việc rất quan trọng, thiết yếu. Trước khi lên lớp, cần học thuộc thơ và soạn bài trước. Trên lớp, hãy chú ý nghe giảng kết hợp với việc ghi chép. Về nhà, ngay sau mỗi bài học, nên ôn lại ngay, trước hết đọc và ghi nhớ ngay các thông tin về tác giả, tác phẩm sau đó chú trọng, học thuộc các dẫn chứng quan trọng trong bài.
Về thơ: học thuộc thơ, các biện pháp tín hiệu nghệ thuật, nghệ thuật nổi bật, mạch cảm xúc, tư tương, tình cảm .Về truyện: hệ thống nhân vật, tình huống truyện, nội dung cơ bản, nghệ thuật nổi bật... Về tiếng Việt: nắm vững khái niệm và dấu hiệu.
“Em hay luyện tập tìm và phát hiện, nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật ngay trong các văn bản đã học, nó giúp em vừa được củng cố kiến thức mà ghi nhớ được lâu hơn”, Cẩm Ly cho biết.
Về nghị luận xã hội, nắm được bố cục và hiểu rõ đề bài đã giúp chúng ta nắm được 1 trên 2 điểm trong văn học nghị luận rồi.
Khi luyện tập: ôn đi ôn lại để tránh quên kiến thức. Khi luyện đề: hãy làm bài trong thời gian quy định để quản lý thời gian, làm quen với áp lực cũng thời gian thi thật trong kỳ thi.
Trong giai đoạn nước rút, còn vài ngày trước kì thi, Thủ khoa vào 10 năm 2020, Nguyễn Ngọc Cẩm Ly nhắn nhủ các thí sinh: Các bạn hãy cố gắng điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình, ngủ sớm và dậy sớm ôn bài kết hợp với ăn uống đầy đủ và dinh dưỡng (cá nhân mình không kiêng kị bất cứ đồ ăn gì) trong thời gian này. Vào thời gian sắp thi, mình vẫn thường đi ngủ vào lúc 10h và dậy lúc 5 giờ sáng để có tinh thần tỉnh táo nhất ôn bài.
Gần đến ngày thi, bạn hãy hệ thống lại những kiến thức cơ bản và xem lại những bài toán khó, những lỗi thường mắc phải để ghi nhớ, rút kinh nghiệm. Đặc biệt, các bạn thí sinh hãy thư giãn và giữ cho mình một tinh thần thoải mái, dành thời gian bên gia đình để giảm bớt căng thẳng, lo lắng, sẵn sàng thể lực và tinh thần tốt nhất để tự tin chinh phục kỳ thi.