Ôn luyện trong giai đoạn nước rút
Cô Ly đánh giá, đề thi môn tiếng Nhật trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2020, các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 90% và 10% là câu hỏi vận dụng thấp. Tuy nhiên, cấu trúc đề thi năm 2020 tăng số lượng bài đọc so với năm 2019 khiến nhiều thí sinh lúng túng. Do đó, điều đầu tiên cô Ly nhắn nhủ, thí sinh phải chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi bước vào kỳ thi năm nay.
Trong giai đoạn nước rút, học sinh nên coi sách giáo khoa tiếng Nhật như vật bất ly thân vì phạm vi ra đề chủ yếu rơi vào kiến thức trong chương trình lớp 9. Sai lầm của nhiều thí sinh là chỉ tập trung luyện nhiều đề mà quên mất việc ôn luyện kiến thức cơ bản.
Ngoài ra, khi ôn tập, thí sinh thường tập trung vào phần từ vựng và ngữ pháp nhưng bỏ quên hai nội dung quan trọng khác là hội thoại - bài khóa và Thư Nhật Bản. Các đoạn hội thoại, những lá thư là kiến thức tổng thể để liên kết từ vựng, ngữ pháp đã học.
Học sinh ở mức điểm 7-8 trở xuống nên làm lại đề luyện cũ và kiểm tra chắc chắn phần đáp án. Với những bạn này, cô Ly thường nhắn nhủ: “Một đề cho chín còn hơn chín đề”. Điều này đồng nghĩa thí sinh phải nằm lòng câu sai, câu đúng, nội dung tích luỹ trong một đề chứ không nên làm nhiều đề qua loa.
Với học sinh khá giỏi có mức điểm tự luyện từ 8 trở lên, đối thủ lớn nhất không ai khác là chính các em. Nói cách khác, đó là tâm lý chủ quan hoặc thói quen suy nghĩ quá mức. Nguyên nhân do các bạn học giỏi thường học trước chương trình, giáo trình nâng cao nên bỏ bê việc ôn tập kiến thức trong sách giáo khoa.
Hoặc ngược lại, vì đã học lên cao nên khi gặp những câu dễ, các bạn lại suy nghĩ quá nhiều trong khi các bạn học khá đã có thể chọn luôn đáp án mà không phân vân. Nếu khắc phục được hai lỗ hổng về tâm lý này, các bạn hoàn toàn có cơ hội đạt điểm 9, 10.
Trong đề thi tiếng Nhật, các câu hỏi vận dụng thấp thường rơi vào bài đọc, bài sửa lỗi sai hoặc bài sắp xếp câu. Để giải quyết được những câu hỏi này, thí sinh phải nắm vững ngữ pháp, đặc biệt là kỹ năng phân tích câu xoay quanh cụm danh từ.
Tuy nhiên, kỹ năng phân tích cần tích lũy trong một thời gian ôn tập dài nên trong những ngày tới, các em nên tập trung vào đoạn hội thoại, Thư Nhật Bản để cải thiện tốc độ đọc và đoán ý của câu.
Chiến thuật trong phòng thi
Với thời gian làm bài 60 phút cho môn Ngoại ngữ, 30 phút đầu thí sinh nên tập trung làm các câu nhận biết, thông hiểu (thường rơi vào dạng bài chữ Hán, điền vào chỗ trống để hoàn thiện câu, câu đồng nghĩa…). 20 phút tiếp theo để giải quyết các câu khó và những câu đang phân vân (đã được đánh dấu lại từ trước). 10 phút cuối cùng sẽ dành để soát lại toàn bộ bài.
Tuy nhiên, khi thời gian rút ngắn còn 45 phút và chưa rõ cấu trúc đề thay đổi như thế nào, thí sinh nên đổi chiến thuật làm bài “chậm mà chắc”.
Khi làm bài thi, nếu nhận diện được câu hỏi ở mức vận dụng, thí sinh hãy đánh dấu lại, tạm bỏ qua để hoàn thành câu hỏi dễ, dành thời gian nghiền ngẫm câu khó. Tuy nhiên, cách làm này khá nguy hiểm nếu thí sinh “nhận diện lầm”, câu khó lại tưởng là câu dễ và phăm phăm chọn đáp án một cách cảm tính. Vì vậy, thí sinh nên đọc kỹ từng câu để xác định chính xác “kẻ thù”. Thay vì đọc lướt, các em hãy đọc chậm rãi, lựa chọn ngay đáp án câu dễ để tiết kiệm thời gian.
Cô Ly nhận xét, so với học sinh lớp 12, học sinh lớp 9 thường sai câu hỏi dễ trong đề thi nhiều hơn vì nhiều em chủ quan hoặc tâm lý trong phòng thi không vững vàng như các anh chị lớp 12.
Vì vậy, khi bước vào phòng thi, thí sinh phải đọc hết câu và đọc hết từng đáp án. Nhiều trường hợp các bạn mới đọc được nửa câu, thấy quen và chọn đáp án theo cảm tính rồi chuyển sang câu khác. Ngược lại, các bạn đọc hết câu nhưng thấy đáp án A có vẻ đúng là chọn luôn, mà không đọc nốt những đáp án B, C, D để cân nhắc. Yếu tố cẩn trọng luôn phải đặt lên hàng đầu trong kì thi sắp tới.