Phát biểu với báo chí hồi đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 lo ngại nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở những địa phương, khu vực chưa có kinh nghiệm trong tính huống tương tự. Lo ngại ấy đã hiện hữu với những gì đang diễn ra ở Bắc Giang.
Tính đến trưa 17/5, tổng số ca nhiễm cộng đồng (tính từ ngày 27/4) đã là 1.205, ghi nhận ở 27 tỉnh thành. Trong đó, năm tỉnh thành có số ca nhiều là Bắc Giang (350), Bắc Ninh (252), Hà Nội (221), Đà Nẵng (135) và Vĩnh Phúc (86).
Theo đánh giá của lãnh đạo Bắc Giang, trong số những ổ dịch xuất hiện tại địa phương từ đầu tháng 5 đến nay thì ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên) là rất nguy hiểm dù mới được phát hiện hôm 14/5.
Một ngày sau ca đầu tiên, đã phát hiện thêm 97 ca ở ổ dịch này. Ngoài ra, còn có hàng nghìn người thuộc diện F1 phải cách ly, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến, số mắc mới sẽ còn tăng và khả năng có thêm ổ dịch ở khu vực này.
Sở dĩ ổ dịch này nguy hiểm vì công ty sản xuất đồ điện tử trong nhà xưởng thấp, sử dụng điều hòa không khí, công nhân ngồi sát nên lây lan rất nhanh. Hằng ngày, công nhân vẫn được đo thân nhiệt nhưng không phát hiện triệu chứng, chỉ khi có một người bên ngoài liên quan thì xét nghiệm mới phát hiện ổ dịch.
Trong cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 16/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất là địa phương chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch tại khu công nghiệp; Công tác lãnh đạo chỉ đạo, lực lượng y tế còn lúng túng, khó khăn trong việc dập dịch.
Năng lực xét nghiệm của tỉnh cũng hạn chế, nhu cầu cao gấp 10 lần khả năng; chưa kể đội ngũ nhân viên y tế không có kinh nghiệm, máy móc thiếu và rất cần có bệnh viện dã chiến.
Thấy được thực tế này, Chính phủ đã có những chỉ đạo tức thì, cụ thể và rất sao sát nhằm hỗ trợ Bắc Giang vượt qua khó khăn.
Ngay chiều muộn 15/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã về Bắc Giang họp khẩn với địa phương. Sau khi xem xét, đánh giá tình hình, đoàn đã đưa ra những khuyến cáo, cùng giải pháp phòng chống dịch với tinh thần chủ động. Bốn khu vực trọng điểm cần được tập trung bao gồm: Khu công nghiệp, khu cách ly, cơ sở y tế và cộng đồng.
Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hướng dẫn cụ thể cho tỉnh để ưu tiên thứ tự đối tượng cần xét nghiệm nhanh; giao Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương hỗ trợ Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm; Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến (khoảng 800 giường) và mở rộng khu điều trị của bệnh viện hiện có.
Cùng với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng huy động nhân lực, vật lực chi viện cho Bắc Giang. Các địa phương lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội... cũng có động thái thiết thực chia sẻ với Bắc Giang chống dịch.
Trong bối cảnh vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp là rất đáng ngại, đe dọa trực tiếp tới các mục tiêu của đất nước.
Việc các địa phương, ban ngành cùng chung tay với Bắc Giang không chỉ phần nào thể hiện truyền thống chia sẻ, giúp đỡ trong lúc hoạn nạn của người Việt mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng với sự an nguy của chính bản thân mình.
Ít nhất từ nay đến cuối năm, khi có đủ vắc-xin (hoặc nhập khẩu hoặc tự sản xuất), Việt Nam còn phải gồng mình chống dịch.
Chỉ cần lơ là ở một vài khâu, là bao nỗ lực của cả đất nước sẽ lại đổ xuống sông, xuống biển. Bởi vậy, thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch, đề cao cảnh giác, giữ cho mình và cho cả xã hội mới là cách chia sẻ thiết thực nhất với đất nước lúc này.