Chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những trọng tâm trong khuôn khổ Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam. Những vấn đề xoay quanh chủ đề này đã được thảo luận nhằm học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình GDNN tự chủ phù hợp.

Tiến tới tự chủ toàn diện, cơ sở GDNN cần sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp.
Tiến tới tự chủ toàn diện, cơ sở GDNN cần sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp.

Phát triển năng lực cơ sở GDNN

Trao đổi về tự chủ cơ sở GDNN, TS Juergen Hartwig - Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) cho biết: Có nhiều khía cạnh về tự chủ ở cơ sở GDNN, trong đó có tổ chức nhân sự, phát triển chương trình đào tạo, tài chính, kết nối với doanh nghiệp...

Mỗi khía cạnh của tự chủ có rất nhiều thách thức đến từ các yếu tố chủ quan, khách quan, ảnh hưởng bởi sự gắn kết đầu vào và đầu ra của chương trình đào tạo.

 

Đối với Việt Nam, khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thì khối doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc đầu tư vào GDNN, tôi nhận thấy, doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào GDNN….


TS Juergen Hartwig

Về vấn đề nhân sự, khi tự chủ, cơ sở GDNN sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc linh hoạt tổ chức, quyết định các vấn đề nhân sự.

Tuy nhiên, để tự chủ tổ chức nhân sự, đầu tiên các cơ sở phải nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý để đáp ứng những yêu cầu mới mà tự chủ mang lại. Vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị rất tốt về năng lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Yêu cầu về tự chủ này cũng là một ưu tiên hàng đầu của chương trình hợp tác với Việt Nam mà GIZ đang thực hiện, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên GDNN.

Về khía cạnh tài chính, có thể thấy Nhà nước muốn có sự liên kết rõ ràng giữa đầu vào của các nguồn tài chính và đầu ra của đào tạo. Vấn đề đặt ra là khi tự chủ cơ sở GDNN huy động nguồn kinh phí từ Nhà nước hay từ doanh nghiệp, sẽ có những thách thức lớn.

Ví dụ: Ở các ngành cơ điện tử, hàn, điện… vật liệu sử dụng đào tạo rất đắt, khi tự chủ tài chính, cơ sở GDNN phải chịu chi phí này. Đây là một yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chương trình đào tạo. Vì vậy cần xây dựng cơ chế đào tạo ổn định và bền vững, có sự tham gia của Nhà nước, duy trì vai trò tài chính của mình trong cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Tự chủ giúp các cơ sở GDNN chủ động hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các khóa đào tạo hướng cầu cũng như độc lập trong các quyết định về nhân sự và tổ chức của cơ sở mình. Tuy nhiên, tự chủ cũng mang tới những thách thức, đặc biệt là áp lực về tài chính yêu cầu các cơ sở GDNN thực sự chuyển mình để đa dạng hóa nguồn ngân sách, cân đối thu chi.

Tại CHLB Đức, chính phủ đóng góp ngân sách cho các hoạt động đào tạo lý thuyết tại các cơ sở GDNN, trong khi doanh nghiệp đóng góp một phần ngân sách cho đào tạo tại doanh nghiệp. Tại Việt Nam, cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng phối hợp để ổn định nguồn ngân sách cho GDNN, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho một nền kinh tế tăng trưởng và bền vững.

Trong những năm qua, nhiều cơ chế đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp cũng được đề ra, điển hình là Nghị định 48 quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN, trong đó đưa ra tiêu chuẩn cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.

Năm 2019, cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như xác định rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp.

Cũng cần xây dựng tiêu chuẩn cho cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như tiêu chuẩn cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp ở khu vực ASEAN do Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SOM-ED) đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ