Chìa khóa cho đổi mới cơ chế quản lý giáo dục ĐH

GD&TĐ - Là người đứng đầu một trong 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là chìa khóa giúp giải quyết hàng loạt các vấn đề trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay cũng như trong tương lai.

Niềm vui các tân cử nhân trong lễ tốt nghiệp
Niềm vui các tân cử nhân trong lễ tốt nghiệp

Thí điểm tự chủ đại học ở những trường đủ điều kiện

Tự chủ là chìa khóa cho đổi mới cơ chế quản lý đại học, là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, không phải trường đại học công lập nào cũng có đủ điều kiện và khả năng thực hiện điều này. Theo ông, để có khả năng thực hiện quyền tự chủ trong giai đoạn hiện nay, các trường phải đảm bảo các điều kiện gì?

 GS.TS Nguyễn Đông Phong

- Đúng là trong điều kiện hiện nay của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, không phải trường đại học công lập nào cũng có đủ điều kiện và khả năng thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội. 

Giống như quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập quốc tế, một số trường sẽ có thể đối diện với nhiều thách thức nếu như được giao quyền tự chủ bởi không có khả năng đứng vững trong cuộc cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng.

Để có khả năng thực hiện quyền tự chủ trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng, các trường phải đảm bảo các điều kiện cần như sau:

Đội ngũ cán bộ hùng hậu, có khả năng tự xây dựng chương trình, giáo trình và giảng dạy theo chuẩn mực quốc tế;

Năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh, có khả năng xây dựng các chương trình nghiên cứu độc lập và thu hút các nguồn kinh phí lớn đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng cũng như nghiên cứu hàn lâm;

Năng lực thực hiện cung cấp các dịch vụ khoa học - công nghệ và các dịch vụ khác để tăng nguồn thu, đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào ngân sách của Nhà nước.

Năng lực quản lý vững mạnh, tự xây dựng được hệ thống quy chế làm việc và các công cụ quản lý hiệu quả, đặc biệt là công cụ công nghệ thông tin;

Cơ sở vật chất hiện đại (phòng học, thư viện, trang thiết bị, nhà xưởng, , mạng thông tin…);

Hơn nữa, tự chủ đại học là một mô hình tương đối mới đối với các trường công lập tại nước ta, vì vậy trước mắt Nhà nước nên giao cho một vài trường đại học trọng điểm thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2014 - 2017.

Sau năm 2017 sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và trên cơ sở đó nhân rộng ra các trường đại học trọng điểm khác, để tới năm 2020 có thể áp dụng cho toàn bộ hệ thống trường đại học công lập.

Cởi bỏ sự trói buộc trong cơ chế huy động nguồn thu

Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên vì sao lần này vẫn cần phải có cơ chế tự chủ thí điểm cho một số trường đại học?

- Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và cố gắng sử dụng nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất do ngân sách nhà nước cấp (giảm hơn 80% so với trước khi thực hiện tự chủ) và một phần kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đảm bảo các điều kiện dạy và học, từng bước đáp ứng theo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay hơn 80% các khoản thu (bao gồm phí và lệ phí) được trường thực hiện thu và để lại đều được xem là nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và chuyển vào Kho bạc Nhà nước quản lý.

Điều này đã dẫn đến sự thiếu chủ động, khó khăn trong việc sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính cho các hoạt động đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, việc áp dụng khung học phí chung cho tất cả các trường đại học công lập đã tạo ra sự bất bình đẳng và trói buộc trong cơ chế huy động nguồn thu giữa các trường công lập và ngoài công lập, giữa các trường tự chủ và các trường chưa (hoặc một phần) tự chủ tài chính.

Các trường công lập tự chủ tài chính một mặt phải thực hiện tuân thủ theo khung học phí chung với các trường công lập khác, một mặt vẫn phải đảm bảo tự cân đối thu chi để duy trì các hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như ổn định và gia tăng thu nhập trong điều kiện lạm phát và mức lương cơ bản gia tăng hàng năm.

Vì vậy, hàng năm chênh lệch thu chi cho một suất đào tạo thường là âm, cho đến tận 2016.

Từ đó dẫn tới hệ quả là nguồn kinh phí hạn chế nên việc đầu tư chỉ là sửa chữa, duy tu mang tính chất nhỏ lẻ, dàn trải chưa có những công trình, dự án đầu tư quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của trường và đòi hỏi của một trường đại học trọng điểm.

Do đó, cần phải có cơ chế cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay.

Bên cạnh đó, việc phân loại các khoản thu ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước vẫn chưa rõ ràng và chưa tạo cơ chế thuận lợi cho các trường tự chủ tự hoạch định và sử dụng nguồn tài chính.

Việc phân cấp quản lý đầu tư, quản lý tài sản còn nhiều bất cập; các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước chưa được hướng dẫn cụ thể để việc quản lý, sử dụng đảm bảo hiệu quả, khơi tăng nguồn thu cho các trường tự chủ.

Hướng dẫn các trường tự chủ sử dụng các nguồn lực tài chính để đầu tư, góp vốn, liên doanh liên kết chưa có dẫn tới trường lúng túng, bị động trong việc hoạch định và sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có để khơi tăng nguồn thu…

3 nguyên tắc: Tự chủ về học thuật, tổ chức và cán bộ, tài chính

Nếu Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó có Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được phê duyệt, những nhiệm vụ quan trọng nào sẽ được trường bắt tay vào thực hiện?

- Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Trường. Bản Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2016 trên cơ sở thực hiện ba nguyên tắc cơ bản của tự chủ đại học là tự chủ về học thuật, tự chủ về tổ chức và cán bộ, và tự chủ về tài chính.

Trước mắt, các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện đến năm 2016 bao gồm: Nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học được học tập kiến thức chuyên môn hiện đại; được ứng dụng khoa học - công nghệ cao; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp;

Phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở tham khảo chương trình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội;

Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo địa chỉ. Tích cực sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông và các công cụ dạy học hiện đại;

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu học thuật, nghiên cứu phục vụ đào tạo và phục vụ xã hội. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học;

Thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng trường để đảm bảo chất lượng đào tạo của trường;

Xây dựng hệ thống tổ chức và nhân sự của trường theo mô hình của các trường đại học hiện đại, thực hiện cải cách hành chính theo các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng và áp dụng triệt để công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực quản trị hiệu quả để thực hiện cơ chế tự chủ và trách nhiệm xã hội; tạo môi trường và điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh của trường;

Định vị thương hiệu trường; xây dựng hệ thống nhận diện thống nhất và chiến lược truyền thông, tiếp thị về trường.

Một trong những yếu tố then chốt trong quy trình đổi mới chính là quyền tự chủ của các trường trong việc quyết định về quy mô đào tạo, phương thức tuyển sinh, về các ngành đào tạo và chương trình đào tạo. Giải pháp của nhà trường thực hiện nội dung đổi mới này sẽ là gì, thưa ông?

- Trường sẽ thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với mô hình đào tạo mới, chú trọng năng lực hành nghề và khả năng thích ứng với thị trường lao động của người tốt nghiệp.

Cùng với đó, đầu tư và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, trong đó chú trọng việc sử dụng các trang thiết bị, hệ thống thông tin - thư viện, phòng thực hành các mô hình kinh tế ảo, các trung tâm máy tính của trường;

Tiếp tục nghiên cứu, đưa vào áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài. Thực hiện nhân rộng đào tạo theo học chế tín chỉ cho các hệ bậc, đổi mới cách quản lý trong điều hành dạy và học;

Phân luồng bậc đào tạo thạc sĩ theo hai định hướng nghiên cứu hàn lâm và định hướng nghề nghiệp ứng dụng; xây dựng chương trình đào tạo cao học theo hướng hội nhập, tiến tới có đủ tài liệu tham khảo cho bậc đào tạo sau đại học;

Nâng cao chất lượng trong tuyển chọn nghiên cứu sinh, phân cấp mạnh cho các khoa chuyên ngành trong đào tạo tiến sĩ;

Nhà trường cũng chú trọng tăng cường năng lực của đội ngũ viên chức thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đảm bảo đội ngũ viên chức tiếp cận nhanh, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới công tác phát triển đào tạo;

Giảm quy mô lớp học để tăng cường và đảm bảo hiệu quả việc áp dụng các phương dạy tích cực;

Sau khi trường được thực hiện tự chủ không, thu nhập bình quân của cán bộ, viên chức hàng năm dự kiến sẽ tăng, bên cạnh đó phương pháp phân phối thu nhập sẽ được cải tiến nhằm đánh giá đúng kết quả và hiệu quả công việc của người lao động, thu hút nhân tài qua đó giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.

 Vậy, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất sẽ được nhà trường thực hiện như thế nào sau khi có quyền tự chủ?

- Nhà trường sẽ phát triển cơ sở vật chất trên tinh thần chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Khi tự chủ trường sẽ chủ động cân đối nguồn thu, trích lập quỹ đầu tư phát triển để thực hiện chiến lược quy hoạch và phát triển tổng thể trường trên tinh thần chia sẻ gánh nặng ngân sách với Chính phủ và hướng tới mô hình đào tạo hiện đại.

Cụ thể: Xây dựng hệ thống trang thiết bị học tập và thực hành hiện đại; có đủ phòng học đáp ứng số lượng sinh viên trên lớp từ 30-50, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo;

Xây dựng các mô hình học tập mô phỏng hiện đại như sàn giao dịch chứng khoán ảo, mô hình ngân hàng thực tập, mô hình kế toán thực hành, mô hình phiên tòa tập sự; kết nối được với các thị trường tài chính trên thế giới để thực hành trực tuyến phân tích các biến động của giá dầu, vàng, chứng khoán… đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn;

Xây dựng hệ thống phòng làm việc và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn cho các giáo sư, phó giáo sư và các chuyên gia cao cấp nhằm bảo toàn và thu hút chất xám.

Xin cảm ơn ông!

Tại cuộc họp giao quyền tự chủ đối với các trường ĐH sáng 26/8, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đề xuất nhà trường được sử dụng toàn bộ tiền học phí này gửi ngân hàng.

Lãi tiền gửi này sẽ được nhà trường dùng vào mục đích xây dựng quỹ khuyến học dành cho sinh viên. Đề xuất này của nhà trường đã được Thủ tướng hoan nghênh.

TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt

Trưởng phòng tổ chức - hành chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ