Đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

Đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

(GD&TĐ)-Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thí sinh thi tuyển sinh ĐH 2012. Ảnh: gdtd.vn
Ảnh: gdtd.vn

Trong đó ghi rõ, quan điểm, nhận thức và phương thức triển khai chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục ĐH là cần thiết, nhận được sự đồng thuận của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và sự hưởng ứng tích cực trong việc triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Trong giáo dục ĐH, thực hiện tốt nội dung về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu, triển khai nội dung kết luận tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục ĐH, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và có điều kiện thực hiện chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với đội ngũ nhà giáo, học sinh tài năng, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh nghèo.

Việc mở rộng chính sách xã hội hóa giáo dục ĐH qua xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí từng bước phản ánh các chi phí đào tạo cần thiết đối với từng ngành học sẽ góp phần thực hiện tốt hơn chính sách điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; cụ thể như việc điều chỉnh chính sách học phí sẽ thu hút được nguồn tài chính của nhóm người có thu nhập cao trong xã hội để ngân sách nhà nước có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người nghèo, gia đình chính sách trong khi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học không giảm đi.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, ĐHQGHCM tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các đề án báo cáo, trong đó tập trung làm rõ các nội dung:

Về mục đích: Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục ĐH, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo cần phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, trong đó không tạo áp lực tăng chi ngân sách cho giáo dục vượt khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế đất nước.

Về nội dung: Tiến hành phân loại theo từng loại hình, cấp học, đào tạo; trên cơ sở đó xác định định hướng phát triển và cơ chế chính sách phù hợp với từng cấp học, đào tạo.

Về vấn đề triển khai thí điểm: Nghiên cứu kỹ, lựa chọn thận trọng vì là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội; bảo đảm triển khai tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện chủ trương đổi mới nhưng không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Về nguyên tắc, xây dựng tiêu chí quản lý nhà nước cụ thể của ngành để đảm bảo chất lượng và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; trước mắt bảo đảm các nhóm ngành nghề lựa chọn thí điểm phải đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn hiện tại của Bộ GD&ĐT như tiêu chí về chuẩn đầu ra, chương trình giáo trình, giảng viên, về tuyển sinh và văn bằng...

Về số lượng ngành nghề, đơn vị tham gia thí điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu không thí điểm trên phạm vi rộng (lựa chọn khoảng 4 đơn vị thí điểm); nghiên cứu, lựa chọn để xác định thí điểm toàn trường hay chỉ thí điểm với từng khoa/nhóm ngành học.

Các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục rà soát lại các nội dung triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính tài sản theo Nghị định 43 của Chính phủ; trên cơ sở đó làm rõ những nội dung tự chủ chưa được triển khai triệt để trong thời gian qua (ví dụ về tổ chức bộ máy), xác định những nội dung cần giao thêm quyền tự chủ cho các trường trong thời gian tới.

Về việc xây dựng chi phí đào tạo, chia thành 3 mức. Mức 1, chi phí đào tạo đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương (chi phí hiện nay chưa tính đủ yếu tố này) và nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ người học. Mức 2, chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương và chi phí về nghiệp vụ giảng dạy, học tập (tính đủ chi phí thường xuyên). Mức 3, chi phí đào tạo tính cả chi phí khấu hao tài sản cố định.Trên cơ sở đó, nghiên cứu, lựa chọn bước đi, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo (học phí) theo từng năm học, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân và khả năng của ngân sách nhà nước, cơ sở cho việc xác định chi phí đặt hàng (đơn giá đào tạo).

Về nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng chi trẻ chi phí đào tạo: Bộ GD&ĐT chỉ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại đối tượng thuộc diện chính sách, thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng chi trả chi phí đào tạo để đề xuất chế độ miễn giảm, cho vay và tính toán nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo các đối tượng này không phải bỏ học vì khó khăn về tài chính và thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước về an sinh xã hội.

Về vấn đề đào tạo chất lượng cao, học phí cao, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng tiêu chuẩn về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao và xác định nhu cầu xã hội đối với loại chương trình này; trên cơ sở đó phân loại theo 3 nhóm:

Nhóm 1: Số người cần được đào tạo theo nhu cầu của các cơ quan nhà nước, được nhà nước tài trợ hỗ trợ để trả học phí và có nghĩa vụ làm việc theo điều động của nhà nước.

Nhóm 2: Đối tượng chính sách xã hội: nhà nước hỗ trợ một phần trả học phí, phần còn lại người học tự trả.

Nhóm 3: Đối tượng khác, học học tự chi trả học phí theo mức bù đắp đủ chi phí đào tạo.

Trong đó cần tính toán, rá soát kỹ để đảm bảo cân đối, hài hòa trong phân bổ và sử dụng nguồn lực của ngân sách và xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất thành lập tổ công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục. Tổ công tác có trách nhiệm khảo sát, đánh giá kỹ, cụ thể các cơ chế hiện tại, trên cơ sở đề xuất nội dung thí điểm. Sau một thời gian thực hiện sẽ đánh giá điều kiện cụ thể để mở rộng mô hình.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong tháng 12/2012 hoặc muộn nhất trong tháng 1 năm 2013 hoàn thiện các nội dung về triển khai Đề án thí điểm về đặt hàng đào tạo và chất lượng đào tạo chất lượng cao, học phí cao, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm cơ sở cho các trường kịp thông báo tuyển sinh cho năm học 2013-2014 vào tháng 3/2013.

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ