Chỉ là giải pháp tình thế

GD&TĐ - Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 10/3, đại diện Chính phủ đã đề nghị xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, Tờ trình của Chính phủ đề xuất nới trần làm thêm từ 40 lên 72 giờ mỗi tháng, giới hạn 300 giờ trong năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm lên 400 thậm chí 500 giờ và điều chỉnh theo năm.

Lý do được các doanh nghiệp đưa ra là phần lớn lao động muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập, đồng thời cũng là giải pháp để bù đắp cho số công nhân bị mắc Covid-19, hoặc do thiếu hụt lao động. Lý do nữa là hiện công nhân làm việc 8 tiếng và tăng ca 1 - 2 tiếng mỗi ngày vào lúc ít đơn hàng nhưng khi thời điểm đơn hàng gấp cần tăng làm thêm lại không đủ.

Thời gian tăng ca trong tháng chưa dùng hết không được điều chỉnh sang tháng sau nên việc điều chỉnh giờ làm thêm theo năm để linh hoạt điều chỉnh theo đơn hàng, ứng phó với đại dịch là cần thiết.

Trái ngược với quan điểm của doanh nghiệp, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, chỉ nên giới hạn dưới 60 giờ, loại trừ một số nhóm lao động vị thành niên, lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ, người làm việc nặng nhọc, độc hại chứ không thể áp dụng cho tất cả ngành.

Theo ông Quảng, thời giờ làm việc, làm thêm được Quốc hội thảo luận kỹ trước khi thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Thời điểm đó, cộng đồng doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm lên 300 - 400 giờ mỗi năm song Quốc hội cân nhắc nhiều yếu tố, cuối cùng quyết định tối đa 200 giờ và chỉ đồng ý mở rộng lên 300 giờ cho một số ngành nghề.

Hơn nữa, quy định tăng giờ làm thêm cũng mới có hiệu lực từ đầu năm 2021 nên không thể nói người lao động muốn tăng giờ làm thêm mà phải là làm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu thu nhập đủ sống, người lao động chỉ muốn làm việc 8 giờ trong ngày, thậm chí rút ngắn thời gian làm việc chứ không ai muốn tăng ca - ông Quảng nhấn mạnh.

Tán thành việc nâng trần giờ làm thêm lên 300 giờ nhưng Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu áp dụng cho mọi ngành nghề, công việc là quá rộng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng giờ làm thêm, do đó, Bộ phải rà soát các ngành nghề nếu tăng giờ làm sẽ ảnh hưởng sức khỏe lao động, quy định theo hướng loại trừ các nhóm không áp dụng mức trần này.

Dịch Covid-19 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn do phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá là một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, phải rõ ràng rằng, tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, áp dụng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có chính sách bền vững, nâng cao năng suất lao động chứ không thể coi tăng giờ làm thêm là giải pháp chủ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ