Đề xuất tăng giờ làm thêm

GD&TĐ - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang tiến hành tổng hợp ý kiến với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng với một số ngành nghề lĩnh vực.

Theo dự tính, có khoảng hơn 12,8 triệu lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo dự tính, có khoảng hơn 12,8 triệu lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Không áp dụng trên phạm vi tất cả ngành nghề

Theo Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đề xuất nêu rõ không quá 300 giờ/năm.

Bộ LĐ,TB&XH cũng đang tiến hành tổng hợp ý kiến của đối tượng tác động, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp. Từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt. Chỉ nên áp dụng những lĩnh vực, ngành nghề, thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Không áp dụng trên phạm vi tất cả ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu rõ, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do vậy cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Đó là phải được sự đồng ý của người lao động. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.

Khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm chỉ quy định cho một số ngành nghề, gồm diêm nghiệp, điện, điện tử. Bên cạnh các nghề hiện hành là sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước. Hoặc các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm. Hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước. Do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất. Các trường hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.

Mới đây, Bộ LĐ,TB&XH đã có Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Theo đó, Bộ này đã đề xuất sửa đổi một cách căn cơ những vấn đề vướng mắc. Đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết. Bổ sung một số nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đặc biệt sửa đổi 2 chính sách liên quan đến người sử dụng lao động. Đó là lược bỏ điều kiện quyết toán thuế và những vướng mắc liên quan đến chính sách cho vay trả lương cho người lao động.

Đồng thời phục hồi sản xuất và đơn giản hóa điều kiện, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhiều nhất, thuận tiện và nhanh nhất.

Nói không với đề xuất giảm đóng BHXH hưu trí, tử tuất

Bộ LĐ,TB&XH cũng đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu ban hành 2 Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116 về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ từ chính sách này là 38 nghìn tỷ đồng. Trong đó khoảng 30 nghìn tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó có khoảng hơn 12,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng.

Đồng thời giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, có 386 nghìn người sử dụng lao động sẽ được giảm đóng với số tiền là trên 8 nghìn tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia, đây là chính sách kịp thời, hợp lý, hỗ trợ thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch. Chính sách thể hiện bản chất và vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm thất nghiệp trong nền kinh tế, thị trường lao động.

Với khoảng 12,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm được thụ hưởng, đây là gói hỗ trợ cho số lượng rất lớn. Việc chi trả hỗ trợ đối tượng này cũng rất thuận lợi vì đã có cơ sở dữ liệu về người lao động và doanh nghiệp.

Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân. Còn với những thông tin liên quan đến cá nhân như số chứng minh nhân dân và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát.

Trước đó tại Nghị quyết số 68, Bộ LĐ,TB&XH đã đề xuất thực hiện giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0% về đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động.

Đây là những chính sách chưa từng có tiền lệ. Đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách và là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, một số hiệp hội, doanh nghiệp xin tiếp tục cho giảm đóng bảo hiểm xã hội hưu trí, tử tuất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Đây là Quỹ tài chính lớn thứ 2 của đất nước.

Nó còn là quỹ dài hạn liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội, liên quan đến đời sống, lương hưu của hàng chục triệu người đang hưởng và tương lai khi về nghỉ hưu. Vì vậy, nhất thiết sẽ “nói không” với đề xuất này.

Riêng việc tiếp nhận trở lại chuyên gia, nhà quản lý, người có trình độ cao cần vào Việt Nam trong thời gian tới, sẽ được xem xét giải quyết một cách phù hợp.

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung cho biết, việc tiếp nhận phải đảm bảo trên cơ sở yêu cầu cao và nhất thiết đáp ứng quy định về phòng chống dịch của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên tối đa tiêm vắc-xin cho công nhân. Bởi đây là lực lượng quyết định trong việc tăng trưởng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.