Tuy nhiên, cần xác định đây là bài toán khó không thể giải ngay trong một sớm một chiều, tương tự như thiếu dinh dưỡng.
Không được giảm hay nhịn ăn
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao, mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Mà thừa cân - béo phì ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần chú trọng và nâng cao cảnh giác với tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ, để điều chỉnh cách ăn uống, vận động cho con phát triển toàn diện.
Theo chuyên gia, phụ huynh cần dùng chuẩn tăng trưởng, biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự tăng trưởng và tình trạng dinh dưỡng của con. Đồng thời, bố mẹ cũng nên tìm hiểu về tháp dinh dưỡng hợp lý của trẻ em cho từng độ tuổi để đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ ở mức hợp lý. Cần nạp đủ “chất” nhưng không dư “lượng”.
Khi trẻ bị thừa cân – béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển. Đồng thời ăn hạn chế chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Cần tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ.
Bữa ăn cần cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.
Ngoài ra, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi. Nhóm rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ sẽ giúp cơ thể trẻ phát triển, giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Tập cho trẻ ăn rau quả ngay từ khi còn nhỏ, với cách chế biến phù hợp. Những trẻ thừa cân – béo phì nên lưu ý hạn chế các loại quả ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải… Nên ăn đa dạng các loại rau quả, đa màu sắc.
Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: Thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, pho mát, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn,... Các loại đồ ngọt như: Đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường,… vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Cần giáo dục con về dinh dưỡng
GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo, phụ huynh cần cung cấp cho trẻ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ vitamin, chất xơ và khoáng chất, bên cạnh đạm, mỡ, cacbonhidrat và đường để trẻ phát triển toàn diện.
“Ví dụ đối với đạm, theo thống kê về nhu cầu chất đạm cho trẻ 6 tuổi, mỗi ngày trẻ cần khoảng 36g - tương đương nửa lạng thịt. Nếu trẻ ăn 3 - 4 lạng thịt, hoặc tiêu thụ thêm đạm từ các thực phẩm khác vượt quá nhu cầu khuyến nghị thì sẽ bị thừa đạm, từ đó có nguy cơ thừa cân, béo phì. Để con khoẻ mạnh, bố mẹ chỉ cần cho con ăn vừa đủ nhu cầu khuyến nghị của các chất dinh dưỡng”, Chủ tịch Hội Nhi khoa cho biết.
Ngoài ra, cần tăng lượng xơ, vitamin, đặc biệt là vitamin C, D qua rau xanh, hoa quả tươi là rất cần thiết để giúp trẻ vững vàng hơn. Vitamin C có vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch.
Trong khi đó, vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Các loại thực phẩm khác như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D cũng giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Song song đó, trẻ cũng cần được bổ sung các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, selen, magie và probiotics. Các vi chất đóng góp vào quá trình phân bào, chuyển hoá trong cơ thể, giúp trẻ có lá chắn vững vàng hơn.
“Thừa cân, béo phì là thực trạng đang ngày càng đáng báo động ở trẻ em Việt Nam. Cần có chiến lược giải pháp đồng bộ cùng với sự phối hợp lâu dài của gia đình và các phụ huynh, nhà trường và xã hội để đẩy lùi tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ hiện nay”, GS.TS Nguyễn Gia Khánh nhấn mạnh.
Theo đó, bên cạnh việc chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho con, phụ huynh cần giáo dục con về dinh dưỡng. Cần đa dạng, cân đối, cho con hiểu về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm.
Cũng theo chuyên gia, phụ huynh không nên nuông chiều con để ăn quá mức cần thiết, nên dừng khi đủ no dù ngon miệng. Không ăn vặt vào bất kì lúc nào trong ngày, đặc biệt là khi trẻ ở nhà và tủ lạnh có nhiều món ngon hấp dẫn và ăn, uống thực phẩm chứa lượng đường cao hoặc nhiều đồ ăn sẵn như bim bim, xúc xích... Thay vào đó, bố mẹ cần cho con ăn đủ bữa, đúng giờ. Không cho con thức khuya, vừa xem TV, xem điện thoại trong lúc ăn cơm.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị tất cả trẻ nhỏ nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ. Trong đó, với trẻ 3 - 4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.