Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Tiếc nuối không của riêng nước Pháp

GD&TĐ - Tối 15/4, điều không tưởng đã xảy ra: Cả thế giới đã quên đi những trận chiến chính trị, các trận đấu thể thao, chuyện gia đình…, hàng nghìn người trên đường phố Paris bất lực khoanh tay đứng nhìn Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) bốc cháy. 

Ngọn lửa trùm lên Nhà thờ Đức Bà Paris.	Ảnh: CNN.
Ngọn lửa trùm lên Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: CNN.

Nhà thờ này không chỉ là một trong những tòa nhà cổ nhất ở thủ đô nước Pháp, mà còn là một trong những biểu tượng văn hóa, tôn giáo của châu Âu.

Bi kịch của nước Pháp

Lúc 18 giờ 50 phút, ngày thứ Hai (15/4), một đám cháy dữ dội bao phủ Nhà thờ Đức Bà Paris. Theo CNN, Paris đã huy động gần 400 lính cứu hỏa, có mặt gần như tức thì để ứng cứu, nhưng vì gió to, khu vực phát hỏa nằm ở vị trí khó tiếp cận nên phải đến 0 giờ ngày 16/4, ngọn lửa mới được khống chế.

Chỉ trong thời gian ngắn, mái nhà thờ, ngọn tháp và đồng hồ hoàn toàn sụp đổ trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân Paris và du khách.

Người Pháp nhanh chóng loại bỏ khả năng xảy ra vụ cháy là do hành động cố ý. Theo lực lượng cứu hỏa, đám cháy có thể liên quan đến công việc trùng tu đang diễn ra tại nhà thờ.

“Tôi có cùng suy nghĩ với tất cả người Công giáo và với tất cả người Pháp. Giống như đồng bào của tôi, tôi cay đắng đứng nhìn một phần của chính chúng tôi đang bùng cháy…” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đến hiện trường của thảm kịch nói.

Theo dữ liệu sơ bộ, tòa nhà không được trang bị hệ thống chữa cháy. Sự lan rộng và nhanh chóng của ngọn lửa trên các cấu trúc bằng gỗ đã góp phần tạo ra lực kéo mạnh mẽ. Ngoài ra, lính cứu hỏa ở Paris rõ ràng không đủ lực lượng và phương tiện để dập tắt đám cháy có quy mô lớn như vậy.

Từ bàng hoàng đến xót xa

Những tin nhắn đầu tiên trên mạng xã hội với hình ảnh về cột khói trên nhà thờ xuất hiện vào khoảng 7 giờ tối (giờ địa phương).

Sau đó, hàng triệu người trên khắp thế giới và hàng nghìn người dân Paris đã chứng kiến ngọn tháp gothic của nhà thờ bốc cháy, rồi một phần của mái nhà sụp đổ. Tin tức thế giới không ngừng nghỉ, mạng xã hội bùng nổ với những bình luận đau sót.

Tờ The Guardian bày tỏ sự sẻ chia với Paris qua “sự mất mát khủng khiếp” này và khẳng định rằng vụ hỏa hoạn ở Notre Dame de Paris đã gây ra “nỗi đau cảm xúc mạnh mẽ”. Tờ báo này cho biết thêm rằng, dường như “chính trái tim của nước Pháp và linh hồn của châu Âu đã bất ngờ bị tàn phá”.

“Có vẻ như khi ngọn lửa trùm lên, cả thế giới sụp đổ với nó. Người Paris đã khóc trên đường phố, thực sự, cả thế giới đã khóc” - Tờ Independent viết.

Tờ The Washington Post khẳng định: “Notre Dame không chết và sẽ sống lại, nhưng nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ”. Ấn phẩm cũng lưu ý rằng “sự sụp đổ của nhà thờ là một cú đánh vào Paris và tất cả những gì nó đại diện”.

Lãnh đạo các nước và những người nổi tiếng thế giới đã vội vã chia sẻ cảm xúc của họ từ sự mất mát: “Đức Mẹ đã bỏ chúng tôi”, “Biểu tượng cho đức tin bốc cháy”, “Một ngày bi thảm đối với nước Pháp”, “Paris mất Nhà thờ”...

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là vụ hoả hoạn khủng khiếp, tàn phá “một trong những kho báu vĩ đại của thế giới”.

Tất nhiên, khi chứng kiến trên truyền hình trực tiếp sự hủy diệt biểu tượng vĩnh cửu của cái đẹp gắn với lịch sử lâu đời của những thành tựu và khám phá vĩ đại của con người, ai ai cũng cảm thấy xót xa.

Việc xây dựng nhà thờ được bắt đầu vào thế kỷ XII và kéo dài gần 200 năm. Nhà thờ Đức Bà Paris đã sống sót sau những năm đầy biến động trong Cách mạng Pháp và cả một thời gian dài của những cuộc binh biến.

Hơn 800 năm đã trôi qua, tiếng chuông của Notre Dame de Paris vang lên trong cả những lúc vui, buồn, trong khúc ca khải hoàn ngày chiến thắng cũng như trong nỗi đau của cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp ở Paris vào tháng 11/2015.

Hàng trăm năm, Nhà thờ Đức Bà Paris đứng nghiêm trang, là nhân chứng thầm lặng cho lịch sử của thành phố và đất nước, lịch sử của trung tâm văn hóa châu Âu. Notre Dame de Paris đã trải qua nhiều thế kỷ bạo lực tôn giáo, chiến tranh, dịch bệnh và bất ổn chính trị. Vậy mà chỉ mất vài giờ, ngọn lửa đã thiêu rụi nó.

Nhà thờ Đức Bà Paris là hiện thân của lịch sử nghệ thuật và văn hóa châu Âu. Mất Nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ mất không chỉ không gian thiêng liêng và kho báu nghệ thuật, mà còn là một trong những biểu tượng thành tựu của con người.

Mặc dù, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tái xây dựng nhà thờ, nhưng nói như nhà văn nổi tiếng người Paris Pascal-Emmanuel Gobry: “Đây thực sự là một thảm họa. Vô số tác phẩm nghệ thuật vô giá… Việc xây dựng mái nhà bằng gỗ nguyên bản, nguyên tắc xây dựng vẫn chưa được các nhà khoa học hiện đại hiểu đầy đủ… Bản thân nó là một tượng đài vô giá. Trái tim tôi tan vỡ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ