Chàng trai Hà Nội “ẵm” 6 tỷ đồng học bổng từ đại học Mỹ

GD&TĐ - Giành học bổng 6 tỷ đồng cho bốn năm học, Nguyễn Trần Đức Anh, 18 tuổi bộc bạch từng chỉ nghĩ đến thắng - thua nhưng đã thay đổi thành người biết lắng nghe, hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Nguyễn Trần Đức Anh.
Nguyễn Trần Đức Anh.

Thể hiện qua hoạt động ngoại khóa

Trong đợt tuyển sinh tháng 12/2020 của các trường ĐH Mỹ, Đức Anh giành học bổng của ĐH Rice, bang Texas, với mức hỗ trợ tài chính 260.000 USD (hơn 6 tỷ đồng). Theo bảng xếp hạng của tổ chức giáo dục Mỹ, US News & Report 2020, Rice đứng thứ 16 trong nhóm trường ĐH quốc gia tốt nhất nước Mỹ.

Sinh năm 2003, Đức Anh là HS lớp 12 (chuyên Anh 1) Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ấp ủ giấc mơ du học từ năm lớp 10 nhưng chưa xác định được trường và ngành học yêu thích, Đức Anh tham gia các cuộc thi tranh biện bằng tiếng Anh để khám phá tiềm năng của bản thân.

Ban đầu, em cho rằng, tranh biện là bộ môn có tính cạnh tranh cao, chỉ có thắng - thua và luôn đặt mục tiêu giành chiến thắng. Trái với kỳ vọng, tại các giải tranh biện nghiệp dư quốc gia, Đức Anh liên tiếp thua. Thời điểm đó, em nhờ một người anh khóa trên hướng dẫn cách để giành chiến thắng nhiều nhất. Nhưng người anh chỉ cười và giảng dạy về bộ môn tranh biện.

Bài học lớn khiến Đức Anh thay đổi tư duy tranh biện, tập trung vào lỗi sai và sửa đổi. Kết quả, cuối năm lớp 10, em được vào chung kết cuộc thi tranh biện Asian English Olympics, tổ chức tại Indonesia. Từ nền tảng này, Đức Anh tiếp tục đăng ký cuộc thi tranh biện theo mô hình Nghị viện Anh Vietnam British Parliamentary Championship và giành giải Nhất.

Song song tham gia các cuộc thi tranh biện, Đức Anh tìm hiểu về bình đẳng giới. Chàng trai cao, gầy, đeo cặp kính gọng đen thừa nhận năm cấp 2, em vốn không giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa nhưng rất yêu thích tiếng Anh. Sở thích của Đức Anh khiến nhiều người ngạc nhiên vì cho rằng “con trai phải thích học Toán”. Không đồng tình với những tiêu chuẩn vô hình áp đặt lên hai giới, Đức Anh đăng ký làm thành viên của Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE). Tại đây, em viết bài truyền thông về bình đẳng giới trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng thư viện sách online về chủ đề giới. Đây cũng là cơ hội để Đức Anh tìm hiểu về các chính sách xã hội và nhen nhóm mối quan tâm dành cho lĩnh vực Tư vấn chính sách.

Đầu năm 2020, Đức Anh chủ động xin làm nghiên cứu sinh tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực tập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đức Anh cho biết, các giảng viên, nhân viên tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều tạo điều kiện để em nghiên cứu sâu về lĩnh vực bình đẳng giới, xây dựng dự án hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo.

Đức Anh (cầm cúp) giành giải Nhất cuộc thi tranh biện Vietnam British Parliamentary Championship.
Đức Anh (cầm cúp) giành giải Nhất cuộc thi tranh biện Vietnam British Parliamentary Championship.

Hành trình chinh phục giấc mơ

Đức Anh lựa chọn theo học ngành Phân tích chính sách xã hội tại bậc đại học để tiếp tục nghiên cứu về bình đẳng giới. Qua tìm hiểu, tham khảo ý kiến của anh chị khóa trên, em nộp hồ sơ vào Trường ĐH Rice trong đợt tuyển sinh tháng 12.

Đức Anh cho biết: Em chọn Rice vì trường tôn trọng tính đa dạng của cộng đồng SV, không để xảy ra tình trạng phân biệt. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều trường ĐH Mỹ thu hẹp học bổng dành cho SV quốc tế nhưng Rice vẫn tương đối “mở” với du HS.

Lựa chọn trường ngoài tốp 10 bảng xếp hạng của Mỹ, Đức Anh đánh giá đây chỉ là thang xếp hạng chủ quan, không bao quát đánh giá của tất cả SV. Hơn nữa, trường nằm trong tốp 10 có tỷ lệ chọi cao, lượng SV lớn nên các giáo sư không thể dành nhiều thời gian cho từng cá nhân. Ngược lại, cùng chất lượng giáo dục, nếu học ở trường xếp hạng thấp hơn, SV có nhiều cơ hội trao đổi với giáo sư.

Để chuẩn bị hồ sơ du học, Đức Anh ôn luyện và thi các chứng chỉ quốc tế. Kết quả, em đạt 8.5 IELTS, 1530/1600 SAT I, điểm tuyệt đối 800/800 với môn Toán, Hoá và 750 môn Sử Mỹ của SAT II. Chàng trai Hà Nội chia sẻ: Thời gian đầu ôn thi SAT I, em yếu môn Toán. Mỗi lần thi thử, chỉ đạt 600 - 700 điểm dù các bạn đều giành 800 khiến Đức Anh cảm thấy tự ti.

“Để xốc lại tinh thần, em thường tự nhủ, sau nhiều lần thất bại trong các cuộc thi tranh biện, em đã giành một số chiến thắng nhất định. Vì vậy, việc học yếu môn Toán không làm khó được em và phải lấy đó làm động lực để tiếp tục bứt phá”, Đức Anh chia sẻ. Kết quả, em giành điểm tuyệt đối 800/800 môn Toán SAT I ngay trong lần thi đầu tiên.

Vượt qua các kỳ thi chứng chỉ, Đức Anh tiếp tục vấp phải khó khăn thứ hai là viết bài luận, yếu tố quan trọng quyết định kết quả ứng tuyển vào ĐH Mỹ. Lựa chọn đề tài bình đẳng giới, Đức Anh gặp khó vì phải chọn ra một lát cắt cụ thể của lĩnh vực này để đưa vào bài luận chính. Cuối cùng, em kể về bài học cá nhân rút ra sau những dự án bình đẳng giới.

“Trong bài luận chính, em viết rằng ai cũng có hoàn cảnh riêng, không thể áp đặt tiêu chuẩn chung lên mọi người. Chúng ta cần lắng nghe mọi người nhiều hơn, không áp đặt suy nghĩ của bản thân lên người khác. Có như vậy, các hoạt động bình đẳng giới mới thực sự hữu ích, chứ không phải là ép buộc”, Đức Anh cho biết.

Bắt đầu viết từ tháng 6/2020, Đức Anh phải sửa nội dung không biết bao nhiêu lần, nhiều hôm thức đến 3 giờ sáng để viết luận. Sau ba tháng ròng rã, em mới hài lòng với bài luận của mình.

Là người viết thư giới thiệu Đức Anh với các trường ĐH Mỹ, cô Lê Thu Thủy, GV chủ nhiệm lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận xét: Đức Anh là người cởi mở, chủ động. Trong ngày học đầu tiên, dù các bạn còn rụt rè, Đức Anh đã xung phong đứng lên giới thiệu về mình và được giao làm lớp phó đời sống.

“Đức Anh tiếp tục gây ấn tượng với tôi qua tư duy nhạy bén, mối quan tâm dành cho lĩnh vực bình đẳng giới. Em đã truyền cho HS khóa dưới tinh thần cầu tiến trong học tập và không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn”, cô Thu Thủy cho biết.

Em nhận ra trong thi đấu, điều quan trọng không nằm ở thắng thua mà là việc học được gì từ kết quả này. Dù thắng - thua, mình cần lùi lại, lắng nghe đối phương thay vì thể hiện, học cách kiềm chế bản thân và học từ những điều đã qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ