Mê Văn học…
Trần Linh Chi sinh năm 1997, là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cô nàng lớp chuyên Văn từng đạt giải nhì Học sinh giỏi thành phố môn Văn lớp 9 và lớp 11, học bổng danh dự năm học 2013-2014 của THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, giải nhất triển lãm ảnh “Arms of Water” tổ chức bởi Đại sứ quán Hà Lan phối hợp với trường THPT.
Năm 2014, Linh Chi đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Phát triển thanh niên châu Á (Asian Youth Development Program) tại Okinawa, Nhật Bản.
Từ nhỏ, Chi đã rất muốn được sống và làm việc ở những vùng đất với nền văn hóa khác nhau. Trước khi xác định hướng đi ĐH, cô đã cân nhắc rất nhiều lựa chọn như các nước ở châu Âu hoặc ngay trong chính Đông Nam Á.
“Sau chuyến đi trao đổi văn hóa tại thành phố Santa Barbara, bang California Mỹ năm lớp 10, em quyết định sẽ chọn Mỹ là điểm dừng chân cho 4 năm đại học của mình.
Sự khác biệt trong văn hóa cũng như sự độc lập, sáng tạo trong tư duy là hai trong số những điều khiến em ấn tượng với nước Mỹ và muốn tiếp tục theo học tại đây.
Ngay khi trở về, dù lúc đó chưa có bất cứ thông tin nào về hồ sơ đại học Mĩ, em cũng cố gắng tìm mọi sự trợ giúp có thể từ những người tư vấn, các anh chị có kinh nghiệm”, Linh Chi chia sẻ.
Hai khó khăn lớn đối với Chi trong quá trình xin học bổng Mỹ là tiếng Anh không phải thế mạnh của nữ sinh chuyên Văn này (dù điểm thi trung bình cũng không phải hạng vừa: GPA của Chi đạt 9.4/10, SAT 1 đạt 2100/2400 và TOEFL đạt 110/120) và cân bằng thời gian trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị hồ sơ.
Vượt qua điều đó, nữ sinh chuyên Văn trường Ams vừa giành học bổng toàn phần đến trường Elliott School of International affairs trực thuộc ĐH George Washington University (khóa 2015-2019).
Quan tâm sâu sắc các vấn đề xã hội và quyền con người
Minh chứng là cô nàng là người đồng sáng lập và điều hành tổ chức thiện nguyện cho trẻ tự kỷ HOPE (Hanoi Operation for Public Education) do nhóm học sinh đến từ các trường phổ thông và đại học trên địa bàn Hà Nội cùng các cựu sinh viên đại học Stanford- Hoa Kì thành lập.
“Trước khi khởi xướng tổ chức, em đã luôn muốn tham gia vào một hoạt động xã hội liên quan đến quyền con người hoặc các vấn đề xã hội, tuy nhiên lại không có cơ hội làm việc nào tại thời điểm đó. Sau khi HOPE được thành lập và trong quá trình làm việc, kiến thức của em về các vẫn đề xã hội nói chung vẫn còn rất hạn hẹp.
Hơn nữa, chứng tự kỉ ở trẻ em là một khía cạnh mới mẻ, ít được khai thác trong cách hoạt động xã hội tại Việt Nam nhưng em và các bạn vẫn quyết định sẽ tạo nên HOPE và trưởng thành cùng chính dự án của mình.
Sáu tháng làm việc với vai trò Trưởng Ban tổ chức là thời gian em học được nhiều nhất. Ngoài những kĩ năng mềm cần thiết để vận hành tổ chức, em học được những hướng nhìn nhận và cách giải quyết tình huống khác nhau từ chính các thành viên trong HOPE, và phần nào đó hiểu được hơn về thế giới của những em nhỏ tự kỷ.
Những trải nghiệm em có từ HOPE cùng các em nhỏ tại trại bảo trợ Phúc Tuệ, em tin rằng, đều khó tìm thấy trong bất cứ nghiên cứu, hay bài báo nào về chứng tự kỉ”, Linh Chi tâm sự.
Mối quan tâm của Linh Chi tới các vấn đề xã hội và quyền con người ngày càng rõ ràng hơn qua thời gian chuẩn bị cho hoạt động ngoại khóa và bài luận. Vì thế, với học bổng toàn phần tới Mỹ, Chi xác định ngành học mong muốn là Quan hệ quốc tế.
“Ước muốn hiện tại của em là được tiếp tục hoạt động trong những tổ chức, dự án ủng hộ quyền phụ nữ và bảo vệ trẻ em như UN Women, Children’s Aid Society hay Human rights watch...
Đại học George Washington sẽ là nơi giúp em hiểu được sâu sắc các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và trẻ em đặt trong bối cảnh quốc tế, cũng như giúp em xác định được hướng đi để hiện thực hóa ước mơ này.
Mùa Hè trước khi vào đại học, em đã dành thời gian để tìm hiểu kĩ hơn về văn hóa của chính đất nước mình, từ ẩm thực, văn hóa và con người. Washington, DC là một môi trường đa dạng với rất nhiều cơ hội rộng mở, em mong muốn trong thời gian theo học tại đây có thể vừa hòa nhập được với nền văn hóa Mĩ và vừa truyền bá được những văn hóa của Việt Nam tới sinh viên quốc tế”, Chi hào hứng.
Bình luận