Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia

GD&TĐ - Gắn bó với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ khi 9 tuổi, đến nay đã tròn 15 năm, Nguyễn Thành Nhân – Khoa Nhạc cụ dân tộc - vừa tốt nghiệp đã trở thành giảng viên trẻ dạy bộ môn Đàn nhị tại Học viện.

Nguyễn Thành Nhân - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam
Nguyễn Thành Nhân - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam
Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia ảnh 1Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia ảnh 2Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia ảnh 3Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia ảnh 4Chàng trai 24 tuổi đem nhạc dân tộc đến 20 quốc gia ảnh 5
Cơ duyên với... đàn nhị 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bà nội là diễn viên hát chèo, ông nội và bố hát tuồng, các chú, bác đều theo nghệ thuật biểu diễn, Nhân đã được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ.

Nói về “cơ duyên” theo học nhạc cụ dân tộc, Nhân chia sẻ: Từ ngày còn bé, em thường xuyên được nhìn ông bà và bố biểu diễn. Mỗi lần lên Nhà hát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, em lại chăm chú theo dõi, đặc biệt là những nhạc cụ góp phần làm nên thành công của một vở diễn.

Em tò mò tìm hiểu về chiếc đàn độc đáo – Đàn nhị, đồng thời thường xuyên thắc mắc xung quanh việc sử dụng nó. Em thích thú và bị cuốn hút với những âm thanh phát ra từ nhạc cụ này. Khi bố cho em được thử những nốt nhạc đầu tiên, em dường như bị mê hoặc. Không có từ nào để diễn tả cảm xúc của em lúc đó, bất chợt đến nhưng đọng lại mãi trong tim.

Như hiểu được điều đó, bố mẹ đã quyết định cho em ra Hà Nội để thi năng khiếu, thẩm âm vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, và em đã học từ đó cho đến bây giờ. Có thể đó là cái duyên trời định.

Mang âm nhạc dân tộc đến 20 quốc gia

15 năm học tập tại Học viện, Nhân đã phấn đấu miệt mài với sự ham học hỏi và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống. Nhưng khi được hỏi về động lực học tập, hơi bất ngờ khi biết rằng, mục đích không phải chỉ riêng cho bản thân mình, mà Nhân muốn có cơ hội để truyền bá âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn nữa, để dòng nhạc này không bị mai một theo thời gian.

Bằng chứng cho mục tiêu đặt ra, đó là những bảng vàng thành tích mà Nhân đã liên tiếp đạt được: 2 Huy chương vàng cuộc thi “độc tấu và đàn hát dân ca tại Hà nội” năm 2001 và 2003; Giải Nhất (Bảng A) và Giải Nhì (Bảng B) cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc Toàn Quốc” năm 2003 và 2008; Huy chương vàng cuộc thi “Liên hoan nhạc cụ dân tộc Toàn Quốc” năm 2014…

Không những biểu diễn trong nước, Nhân muốn nền âm nhạc dân tộc Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Con số “20 quốc gia” đã từng đặt chân đến để biểu diễn, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí, đam mê với dòng truyền thống của chàng trai trẻ.

Thời gian biểu diễn, học tập mệt mỏi nhưng Thành Nhân vẫn là một Bí thư chi đoàn giỏi được Thành đoàn Thành phố ghi nhận, tích cực tham gia các phong trào Đoàn và luôn đạt kết quả học tập loại giỏi và xuất sắc. Mới gần đây, chàng sinh viên ưu tú đã được giữ lại trường làm giảng viên dạy Đàn nhị. 

Có đôi lúc, Nhân lo lắng khi xã hội ngày càng phát triển, các dòng nhạc khác sẽ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn trẻ Việt, làm mờ nhạt đi dòng nhạc dân tộc. Nhưng trong thâm tâm, Nhân vẫn tin rằng trong tương lai gần, giới trẻ sẽ giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta, để âm nhạc Việt Nam được đến nhiều nơi, in sâu vào trái tim nhiều người trên toàn thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.