Chàng “kỹ sư phế thải”

Chàng “kỹ sư phế thải”

Thấu hiểu nhọc nhằn của cha mẹ, sau thời gian bôn ba học nghề tại Vũng Tàu, anh trở về quê hương, mày mò làm ra sản phẩm phục vụ nhà nông. Những chiếc máy gặt lúa, xới đất lần lượt ra đời giúp nông dân giải phóng sức lao động trong trồng trọt, sản xuất. 

Lớn lên bên dòng Núa Ngam

Trong lúc chờ Trung từ nương sắn trở về, chúng tôi được mẹ anh đưa đi thăm khu vườn bạt ngàn hoa trái. Mùa này bưởi mới đương hoa, xoài vừa đậu quả mang lại sự trù phú, xanh tươi. Mẹ Trung, người nông dân từ quê lúa Thái Bình đã gắn bó với mảnh đất Điện Biên mấy chục năm vẫn không quên những ngày đầu gian khó lập nghiệp, thiếu thốn mọi bề.

Ngồi bên triền suối Núa Ngam, người phụ nữ mái tóc đã ngả sợi bạc nhớ lại những ngày đầu gian khó: Mấy chục gia đình từ xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình) theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới đã chọn mảnh đất Tân Ngam, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) để nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, làm giàu.

Thế rồi, khó khăn cũng khiến lòng người trùng lại. Mảnh đất khô cằn lại xa xôi hẻo lánh khiến nhiều người không thể trụ lại như khát vọng ban đầu. Không ít gia đình đã khăn gói trở về nơi cha sinh mẹ đẻ. Khi đó, trụ lại Tân Ngam chỉ còn hơn hai chục gia đình. Họ chung một ý chí, niềm tin “bàn tay ta làm lên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. 

Và mỗi ngày, đàn ông trai tráng cùng nhau lên rừng lấy gỗ dựng nhà, đàn bà trồng cấy dưới lòng thung…

Trời không phụ lòng người, cuộc sống của người Tân Ngam giờ không còn khó khăn như những ngày đầu. Người Tân Ngam giờ đã có của ăn của để, có phương tiện đi lại bằng xe máy, thậm chí là ô tô. Thanh niên Tân Ngam cũng tỏa đi khắp nơi để học tập, cống hiến và xây dựng đất nước với đủ ngành nghề.

Một năm ròng thai nghén

Câu chuyện kể về một thời gian khó khép lại cũng là lúc Trung về tới nhà. Ngồi bên ấm trà nóng, Trung kể động lực để anh mày mò sáng chế ra chiếc máy xới đất là hình bóng cha mẹ gặt lúa giữa trưa hè nắng đỏ hay đi nương khi giông tố tràn về đã khiến anh trăn trở.

“Từ sau lần bố bị đột quỵ (năm 2014), em quyết định làm máy. Bởi em biết, bố em bị đột quỵ vì sức yếu mà phải làm nặng nhọc quá” - Trung kể.

Trong hơn một năm bố nằm liệt giường, mẹ ở hẳn nhà chăm sóc bố, việc đồng áng mình Trung cáng đáng. Hơn 4 ha cả thảy ruộng và nương cứ cuốn Trung quần quật từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Khi đêm về, Trung lại xoay vần với máy cắt, máy hàn. Cặm cụi một năm ròng, Trung bắt đầu dựng lên hình hài của chiếc máy mà như lời Trung là “máy gặt xếp dãy bằng tay”. 

Nhớ về ngày thai nghén chiếc máy gặt lúa, Trung kể: “Ban đầu em làm máy có lồng gặt lắp vào máy cắt cỏ, sử dụng động cơ giật bằng tay, nhưng không hiệu quả. Bỏ máy ấy, em lại nghiên cứu làm máy gặt lúa xếp dãy dùng động cơ xe máy chạy bằng xăng mà ý tưởng bắt đầu từ khung xe máy”.

Để có nguyên liệu, Trung đi khắp các cơ sở mua bán, thu gom sắt vụn, phế liệu. Nhiều khi đi cả tháng không tìm được vật liệu như ý. Sau rồi Trung tìm mãi cũng đủ các bộ phận cho máy, như: Tay cầm, khung xe, bình xăng, trục máy, xích líp xe cũ, cần số; còn dao cắt thì phải đặt mua.

Vơi bớt nhọc nhằn

Vụ mùa năm 2015, Trung quyết định đem máy ra thửa ruộng gần nhà thử nghiệm trước sự ngạc nhiên, thán phục của nhiều người. Trên thửa ruộng hơn 1.000 m2, Trung điều khiển máy chạy xình xịch, gần 20 phút đã gặt xong gọn gàng, lúa được xếp theo hàng đều tăm tắp.

Tiếp tục thử nghiệm, Trung đem máy sang mấy thửa ruộng khác của bà con để gặt. Cả vụ mùa năm ấy, Trung khiến người dân thôn Tân Ngam vui mừng hết thảy. Bởi đời họ chưa bao giờ gặt lúa nhàn nhã đến thế. Sau vụ mùa năm đó, Trung khắc phục vài chi tiết để máy hoàn thiện hơn.

Bắt đầu từ vụ chiêm 2016 đến nay, người dân các xã vùng lòng chảo Điện Biên, như: Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng… đã quá quen với hình ảnh chàng “kỹ sư” chân đất cùng máy gặt miệt mài gặt hết thửa này sang thửa khác và thậm chí theo Trung lên lưng chừng đồi để gặt ở ruộng bậc thang.

Tiếng lành đồn xa, chiếc máy của “kỹ sư” Trung không chỉ người trong tỉnh, trong huyện mà nhiều người tận Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ cũng đặt hàng với điều kiện “làm từng chi tiết như cái máy đầu tiên”.

Sau thành công với chiếc máy gặt lúa xếp dãy, năm 2017, Trung tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy xới đất dựa trên động cơ máy gặt lúa xếp dãy và cải tiến các lưỡi xới để hoàn thiện.

Nhờ có máy xới đất, Trung đã cải tạo thêm gần 3 ha vườn, nương kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn quả, như: Bưởi, xoài Đài Loan, ổi và táo. Nhiều gia đình thôn Tân Ngam cũng tín nhiệm sử dụng máy xới đất của Trung để có vườn cây xanh um hoa trái.

Hỏi giá thành hai loại máy, Trung nói: Em chỉ lấy một phần công trả thợ phụ cắt sắt, hàn khung và tiền mua lưỡi dao mới, còn công của em coi như làm giúp để bà con dân bản đỡ vất vả hơn!

Không như bạn bè trang lứa, tốt nghiệp THPT, Trần Quang Trung theo người thân vào Vũng Tàu phụ việc cho thợ đóng tàu. Hàng ngày tiếp xúc với nhôm, sắt, hàn xì, Trung đâm mê rồi học theo. Trở về quê, chứng kiến bố mẹ, hàng xóm ngày ngày vất vả với ruộng nương nên anh mày mò tìm cách chế tạo máy hỗ trợ nhà nông. Hàng loạt sản phẩm do anh chế tạo ra được bà con ghi nhận. Mới đây, Trung được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Điện Biên trao tặng Bằng khen vì đạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” với sản phẩm máy gặt xếp dãy bằng tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ