'Chân kiềng' thứ ba trong mối liên kết du lịch và điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Điện ảnh và du lịch liên kết để thu hút khách du lịch quốc tế…là câu chuyện không còn mới mẻ.

Việt Nam không có những phim trường xây dựng hoành tráng nhưng có thể đầu tư văn hóa tại các điểm diễn ra bối cảnh phim (cảnh quay tại Ninh Bình trong phim 'Kong đảo Đầu lâu').
Việt Nam không có những phim trường xây dựng hoành tráng nhưng có thể đầu tư văn hóa tại các điểm diễn ra bối cảnh phim (cảnh quay tại Ninh Bình trong phim 'Kong đảo Đầu lâu').

Mới đây, trong khuôn khổ chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch và điện ảnh Việt Nam năm 2023, tại diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” tổ chức tại Khánh Hoà một lần nữa khơi lên hi vọng về cái bắt tay giữa du lịch và điện ảnh.

Điện ảnh như một cẩm nang du lịch

Theo bà Phan Cẩm Tú - Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, báo cáo “Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia” cho thấy, 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Điện ảnh có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành du lịch của các quốc gia.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nói rằng, nhiều khán giả trên thế giới biết đến các địa danh của Việt Nam thông qua phim ảnh, như: Vịnh Hạ Long trong phim “Đông Dương” (Indochine); Đồng bằng sông Cửu Long trong phim “Người tình” (L’amant); Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) qua “Kong đảo Đầu lâu”…

Theo giới chuyên gia, điện ảnh không chỉ khiến cho khán giả toàn thế giới biết về thắng cảnh địa danh mà còn là kênh lan toả văn hóa truyền thống, phong tục tập quán cũng như thương hiệu của một quốc gia. Trong thế giới hội nhập, ngoài những yếu tố đó, điện ảnh còn là một kênh quảng bá để thu hút khách du lịch.

Những dự án phim lớn của Hollywood thường dẫn đến tăng trưởng du lịch tại địa điểm làm phim. Du lịch sau khi xem phim được coi là một hình thức du lịch độc đáo thúc đẩy khách trải nghiệm các địa điểm được sử dụng trong phim. Nhiều quốc gia nhìn nhận sản xuất phim như hoạt động quan trọng để thúc đẩy kinh tế du lịch.

Biết là thế, nhưng ở Việt Nam vẫn còn những đắn đo hoặc là những rào cản. Theo TS Nguyễn Văn Tình - nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho biết, một câu chuyện không vui là cách đây khoảng chục năm, một công ty phim của Hollywood đề nghị Việt Nam cho phép họ thực hiện một phim trong loạt phim bom tấn 007 do Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ.

Khi công tác chuẩn bị đã xong, đoàn làm phim thuê một con tàu biển rất lớn kéo vào Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho bộ phim. Tuy nhiên sau đó phim lại không được quay, họ buộc phải rời sang Thái Lan để hoàn thành bộ phim này. Địa điểm quay là đảo Khao Phing Kan gần khu du lịch Phu Két. Địa điểm này so với hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long thì thua xa về vẻ đẹp cảnh. Sau khi phim hoàn thành và phát hành, đến nay vẫn rất đông du khách đến ngắm nhìn đảo Khao Phing Kan.

Sau sự kiện này, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ là Oliver Stone sang Việt Nam để xin quay bộ phim “Heaven & Earth” (Trời và đất). Thế nhưng vì nhiều lý do, cuối cùng Oliver Stone quyết định cầm hơn 30 triệu USD chuyển sang Thái Lan để làm giả bối cảnh Việt Nam. Khoảng hơn một chục năm sau, các hãng phim nước ngoài không vào Việt Nam quay phim nữa.

Đầu tư văn hóa từ phim trường

Cảnh trong phim 'Hành trình tình yêu của du khách' quay tại Việt Nam - Phim xếp thứ ba trong tốp 10 phim được khán giả thế giới xem nhiều nhất.

Cảnh trong phim 'Hành trình tình yêu của du khách' quay tại Việt Nam - Phim xếp thứ ba trong tốp 10 phim được khán giả thế giới xem nhiều nhất.

Duyệt kịch bản và cấp giấy phép là chuyện hiển nhiên ở mọi quốc gia, thế nhưng nội dung phim có phù hợp với lịch sử và bối cảnh quốc gia đó hay không lại là bài toán khó, đặc biệt với các đoàn phim nước ngoài.

Việt Nam được kỳ vọng đang có những thay đổi thuận lợi hơn đối với các nhà làm phim quốc tế. Việt Nam từng cho phép Pháp quay liền 3 bộ phim: Người tình, Điện Biên Phủ và Đông Dương. Sau khi những bộ phim này phát hành, số lượng du khách đến Việt Nam gia tăng.

Mới đây, 2 bộ phim thực hiện ở Việt Nam là phim “Kong đảo Đầu lâu” và “Hành trình tình yêu của một du khách” cũng tác động rất lớn. Phát hành vào ngày 21/4 vừa qua, chỉ sau một tuần Netflix công bố bộ phim này xếp thứ ba trong tốp 10 phim hàng đầu các phim được khán giả khắp thế giới xem nhiều nhất.

Thu hút khách du lịch đến thăm địa danh sau một bộ phim đình đám đã là chân lý, nhưng làm thế nào để lan toả văn hóa từ phim trường mới là việc phải bàn. Việt Nam không có những phim trường được đầu tư ấn tượng như Trung Quốc, nhưng có “phim trường tự nhiên” đẹp không kém, đó là các danh thắng trải dài từ Bắc vào Nam.

Nếu như Trung Quốc đầu tư hàng trăm triệu USD vào các phim trường, như: Hoành Điếm, Vô Tích, Thượng Hải… mang đặc trưng văn hóa Trung Hoa, thì Việt Nam có thể đầu tư văn hóa tại những địa phương được đoàn làm phim nước ngoài lựa chọn.

Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào tầm nhìn và chiến lược phát triển văn hóa của chính quyền địa phương. Có thể nói rất ít địa phương có phương án đầu tư văn hóa tại các địa điểm diễn ra bối cảnh phim. Cho nên, khi du khách kéo đến “phim trường tự nhiên”, ngoài cảnh quan thiên nhiên thì hầu như không còn gì để cảm nhận.

Cái “bắt tay” giữa du lịch và điện ảnh đã gần, nhưng khi chưa có sự chung tay của văn hóa thì chưa thể thành “kiềng ba chân”. Bởi vậy, đạo diễn Lương Đình Dũng từng kể đại ý rằng, một doanh nghiệp ở miền Trung tổ chức sự kiện với chi phí tới gần 7 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh ấy rất vui vì nghĩ rằng thương hiệu tỉnh mình sẽ bay xa, mà không biết rằng nó chỉ quẩn quanh ở sự kiện vui chơi ca hát, xong tiệc cũng là hết phim.

Khi điện ảnh và du lịch liên kết với nhau, việc thu hút khách đến là điều dễ thấy, nhưng những gì tốt đẹp của văn hóa đọng lại trong du khách mới đáng quan tâm. Kích cầu du lịch cần song hành với nhiệm vụ lan toả văn hóa từ chính nơi xuất phát của bộ phim - đó là vòng tuần hoàn của sự phát triển cân bằng và bền vững.

“Các bộ phim giúp mang hình ảnh thiên nhiên xinh đẹp đến với khán giả. Phim là cầu nối cho các hoạt động trao đổi văn hóa. Phim ảnh giúp khán giả nhìn vào văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia. Bằng cách kể các câu chuyện về phong tục, truyền thống, lễ hội và sự kiện lịch sử địa phương, các bộ phim tạo ra sự tò mò và quan tâm cho người xem. Điều này khuyến khích du khách khám phá các địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong văn hóa được miêu tả trên màn ảnh” - bà Phan Cẩm Tú - Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.