Khu vực dịch vụ, du lịch là điểm sáng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước.
Xuất, nhập khẩu tăng trưởng âm, công nghiệp khó khăn
Tổng cục Thống kê ngày 29/6 công bố báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng năm 2023. Theo đó, tăng trưởng GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023, thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Với tăng trưởng GDP của quý II nêu trên, tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước chỉ đạt 3,72%. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%, khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm, ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Khu vực nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung.
Trong khi đó, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Theo bà Nguyễn Thị Hương, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Theo cơ quan thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa ITN. |
Ngành dịch vụ, du lịch là điểm sáng
Ngược lại, quý II/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỉ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.
6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục Thống kê đánh giá, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức, chịu tác động bởi diễn biến không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái…
Theo bà Nguyễn Thị Hương nhìn nhận, trong bối cảnh như hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn phải dựa trên trụ cột là tiêu dùng cuối cùng, đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, ngành phải coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung đẩy mạnh.
Đồng thời thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp giảm thuế phí cho doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng. Chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch, các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Liên quan đến các động lực tăng trưởng của năm 2023, các chuyên gia của World Bank đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực dịch vụ. Thậm chí, World Bank còn dùng cụm từ “đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng” khi nói về cơ hội của kinh tế Việt Nam.
Lạc quan về số doanh nghiệp thành lập mới
Trong tháng 6, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; 7,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% và gấp 3,2 lần. Với 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 4,9% và giảm 0,5% và có 5.749 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% và tăng 11,7%. Ngoài ra, có 1.482 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% và giảm 12,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%.
Bình luận