Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Giáo dục ngôn ngữ cho học sinh

GD&TĐ - Văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với toàn thể quốc dân, nhất là thanh niên, học sinh, bởi “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Muốn chấn hưng văn hóa cho học sinh phải chấn hưng từ ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Muốn chấn hưng văn hóa cho học sinh phải chấn hưng từ ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Trong trường học, bồi dưỡng giáo dục lòng tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được lồng ghép trong từng môn học, bài giảng.

Ngôn ngữ lạ của giới trẻ

“Văn học là nhân học” - với môn Ngữ văn - môn học công cụ, mang tính nhân văn, vừa dạy chữ song đồng thời còn giáo dục cho học sinh cách làm người. Trước sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0, bên cạnh mặt tích cực, đã tạo ra một thế giới ảo trên mạng Internet - nơi mà một bộ phận giới trẻ đang có xu hướng sử dụng một thứ ngôn ngữ riêng. Thứ ngôn ngữ “không đụng hàng” mà chúng ta thường hay gọi đó là “ngôn ngữ tuổi teen”, “ngôn ngữ thời @”, “tiếng Việt trong ngoặc kép” hay “ngôn ngữ chat”...

Loại ngôn ngữ này đã, đang và sẽ lan truyền ngày càng rộng rãi trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh gây nên sự lệch chuẩn trong giao tiếp. Hành vi lệch chuẩn ngôn ngữ của học sinh thường được biểu hiện trên 2 phương diện: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

Một số em sử dụng nhiều tiếng lóng, tiếng đệm trong giao tiếp. Chỉ cần dạo quanh các trường học, nhất là hàng quán ở cạnh trường, sẽ thấy học sinh túm tụm, tán gẫu, dùng nhiều lời lẽ thô tục, thiếu lịch sự. Ví dụ: Tao thấy con đấy xinh nhưng hơi “cua mò” (chỉ quê mùa). Hay, cái thằng N… đúng là “sửu nhi, trẻ trâu”. Thay vì nói “đồng ý”, nhiều em lại dùng “ok”, “tình yêu” thành “tềnh iu”, biến đơn vị nghìn đồng trong tiền tệ thành “k”. Chê bai ai thì gọi là “cùi bắp”, “cục gạch”, “sến”...

Hiện tượng lạ hóa tiếng Việt - “Ngôn ngữ @” hiện nay đang dần làm biến tướng ngôn ngữ tiếng Việt. Ảnh minh họa
Hiện tượng lạ hóa tiếng Việt - “Ngôn ngữ @” hiện nay đang dần làm biến tướng ngôn ngữ tiếng Việt. Ảnh minh họa

Hay nói tục, chửi bậy cũng trở thành thói quen, các câu thường trực cửa miệng của các bạn trẻ trên mạng xã hội: “Đ.M”, “SML”…

Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn sử dụng phổ biến tiếng Việt không dấu và viết tắt, chủ yếu theo lối tự tạo, phổ biến ở các phòng chat và điện thoại di động như: “U co dj choi o?” (Cậu có đi chơi không?), “Mong rag e se hiu” (Mong rằng em sẽ hiểu)...

Ngoài ra, hiện tượng lạ hóa tiếng Việt - “Ngôn ngữ @” - ngôn ngữ chat hiện nay đang làm biến tướng ngôn ngữ tiếng Việt. Kiểu ngôn ngữ mạng này được viết rút gọn về ngữ pháp và từ vựng để bảo đảm nhanh, gọn. Thế nhưng, cùng với mặt tích cực ấy vẫn còn những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt thời “a còng” kéo theo nhiều hệ lụy. Sự biến dạng của những từ ngữ, chữ viết được xem là “mốt”, ngôn ngữ riêng của giới trẻ: Từ “rồi” viết thành “roài”, “không” thành “hông”, “hem”, “biết” thành “bít”, chữ e viết thành 3, i thành j, g đổi sang 9, c thành k,…

Cô và trò trường mầm non Vĩnh Khúc, Hà Nội. Ảnh: INT
Cô và trò trường mầm non Vĩnh Khúc, Hà Nội. Ảnh: INT

Không để đốm lửa nhỏ thành đám cháy

Mặt khác, không ít thanh thiếu niên có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc nước ngoài trong giao tiếp bằng tiếng Việt, sử dụng ngôn ngữ lai căng. Các em không ngần ngại nói với tất cả đối tượng tham gia hội thoại bằng các dạng cấu trúc như: “ok thầy”, “thank-kiu cô”, “sorry bạn”...

Điều đáng nói, nhiều học sinh thường đưa ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói trên mạng, qua tin nhắn vào cuộc sống hằng ngày, áp dụng vào mọi tình huống. Những hiện tượng kể trên đã làm xấu đi hình ảnh tiếng Việt vốn rất giàu và đẹp.

Đứng trước thực trạng ấy, là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, tôi luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc điều chỉnh, giáo dục học sinh giữ gìn và phát huy ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Ngôn ngữ là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phát triển ngày một rộng khắp”.

Quả thật, khi nhận diện nền văn hóa một dân tộc, ngôn ngữ thường được coi là một trong những tiêu chuẩn chính, góp phần làm nên bản sắc dân tộc. Bởi thế, muốn chấn hưng văn hóa cho thế hệ trẻ phải từ con đường giáo dục. Cụ thể là chấn hưng từ ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày. Giao tiếp ngôn ngữ là kênh thể hiện văn hóa, con đường tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong thực tế dạy học, tôi và các đồng nghiệp đã trang bị vốn ngôn ngữ đúng chuẩn trong giao tiếp, giáo dục học sinh có ý thức học tập, rèn luyện, trau dồi vốn từ cho riêng mình. Từ đó, nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc cho các em. Giáo dục cho học sinh biết cách sử dụng có chọn lọc những từ ngữ phù hợp với chuẩn mực trong giao tiếp, tiếp thu có chọn lọc ngôn ngữ nước ngoài, không cổ xúy, chạy theo những xu hướng lệch lạc.

Mặt khác, cùng với các tổ chuyên môn của nhà trường và đoàn thể tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở học sinh thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử. Tạo cho các em nhiều phong trào, hoạt động trải nghiệm “Nói lời hay, ý đẹp”, “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, xây dựng tủ sách lớp học... để học sinh trau dồi vốn ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đó đã điều chỉnh hành vi lệch chuẩn ngôn ngữ trong giao tiếp cho học sinh, tạo môi trường văn hóa thân thiện trong trường học.

Ngôn ngữ văn hóa đã soi đường cho mọi hành động, góp phần hình thành, phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh, phù hợp với chuẩn mực và giá trị văn hóa chung của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.