Ngăn chặn bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Thời gian gần đây, bạo lực học đường mà đối tượng tham gia là nữ sinh có chiều hướng gia tăng.

Một vụ bạo lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh cắt từ clip/Internet
Một vụ bạo lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh cắt từ clip/Internet

Điều này đặt ra “bài toán” cho gia đình, nhà trường và xã hội để chặn tận gốc tình trạng này.

Đối tượng ngày càng trẻ hóa

Những ngày gần đây, hàng loạt vụ nữ sinh bị đánh, gây bức xúc trong xã hội. Các vụ việc không đơn thuần chỉ là đánh nhau, gây thương tích, mà các em còn quay video và đưa lên mạng xã hội. Cách đây hơn 1 tuần, đoạn clip ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh bạn ngoài đường, giữa đêm tối trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Nạn nhân bị đánh trong clip nói trên được cho là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thông Thụ (Quế Phong, tỉnh Nghệ An).

Ngày 24/10, tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cũng xảy ra vụ nhóm nữ sinh đánh bạn. Nhóm nữ sinh được xác định học lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện nhiều vụ việc nữ sinh đánh bạn và lan truyền lên mạng xã hội. Đơn cử như: Nữ sinh T.T.H.L ở huyện Phú Lộc bị một số bạn túm giật tóc và bị nữ sinh tên H.T.L.A dùng khúc cây nhỏ đánh gây rách đầu, chảy máu và phải đưa đi cấp cứu.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận, gần đây có nhiều vụ liên quan đến bạo lực mà đối tượng là học sinh trên địa bàn tỉnh. Đáng nói là, đối tượng ngày càng trẻ hóa và có cả học sinh nữ. Đây là vấn đề báo động, cần có giải pháp để ngăn chặn. Muốn vậy, chúng ta không chỉ nói suông, mà cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước, sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục, trong những năm gần đây, số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt số vụ bạo lực liên quan đến học sinh nữ gia tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em. Bạo lực học đường có thể biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Gây hấn, đánh nhau, miệt thị, hành hung.

Tất cả biểu hiện này đều làm tổn thương về thể chất và tinh thần của các em và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động học tập và phát triển nhân cách. Vì vậy, các nhà giáo dục cần có kỹ năng để nhận biết, phòng ngừa và giải quyết các vụ bạo lực học đường ở học sinh.

Chặn tận gốc

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, bạo lực học đường là một dạng của bạo lực xã hội nên phải được quan tâm nhiều hơn. Bạo lực học đường ở bất kỳ hình thức nào cũng là thiếu văn hóa, xúc phạm đến thân thể, tinh thần, danh dự của người bị bạo lực. Với những người chứng kiến mà không có động thái can ngăn là không thể chấp nhận được và cần phải lên án. Còn nếu đồng tình, cổ xúy cần xem xét để có hình thức xử lý thích đáng.

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ

Bạo lực học đường cần được quy về hành vi chuẩn mực đạo đức xã hội, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường hoặc nội quy, quy chế trong các nhà trường. “Song bên cạnh đó, rất cần giáo dục từ gia đình. Theo đó, nền tảng văn hóa, sự gương mẫu của các thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã đến lúc cần thể chế hóa các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Ngoài ra, xã hội mà cụ thể là khu dân cư cũng cần có quy định về phòng, chống bạo lực học đường. Chẳng hạn đưa vào hương ước, quy ước của khu dân cư về các chế tài xử lý bạo lực học đường nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng này.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình - nhấn mạnh, gia đình không thể phó mặc cho nhà trường, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ để cùng giáo dục con cái. Giáo viên cần trao đổi với phụ huynh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện có thể dẫn đến xung đột của các con.

Ngoài ra, phía nhà trường có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Trên hết là giúp các em biết thích nghi, hòa nhập với bạn bè trong học tập và biết quản trị cảm xúc trước những tình huống căng thẳng. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống nhằm giúp các em trở thành người tốt và tử tế.

TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục - nêu quan điểm, việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là điều không thể. Bởi mỗi học sinh với những đặc điểm tâm thần kinh khác nhau, trong từng giai đoạn phát triển sẽ có nguy cơ gây bạo lực học đường ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiệm vụ của nhà trường và thầy cô là quản lý và giảm thiểu đến mức thấp nhất để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Gia đình, xã hội, cơ quan truyền thông cần hợp tác, hành động vì chính những học sinh bị bạo lực và môi trường giáo dục lành mạnh cho những trẻ em khác.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng GD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhìn rộng ra, xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Khi thế “chân kiềng”: Nhà trường - gia đình và xã hội thật vững thì mới góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi học sinh, giúp các em hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, mới có thể kỳ vọng về việc ngăn chặn từ gốc nạn bạo lực học đường.

Trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ