“Bắt bài” nguyên nhân
Theo thầy Lê Xuân Thắng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình), bạo lực học đường còn khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, năng lực của học sinh. Đáng nói, hiện tượng này có xu hướng phức tạp và biểu hiện trên nhiều phương diện như vật chất, thể xác, tinh thần…
Những năm qua, các trường học đã đề ra nhiều biện pháp nhằm can thiệp, ngăn chặn hiện tượng bạo lực xảy ra trong và ngoài nhà trường dưới hình thức, mức độ khác nhau. Tại Trường Tiểu học Đông Sơn, nhiều năm qua không xảy ra bạo lực học đường ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên xuất hiện một vài vụ việc học sinh xích mích dẫn đến gây gổ, đánh nhau và được xử lý dứt điểm, không còn tái diễn.
Trường cũng đưa nội dung quy định về phòng, chống bạo lực học đường vào tiêu chí đánh giá thi đua; thường xuyên kiểm tra giám sát; biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác phòng, chống bạo lực.
Theo thầy Thắng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, song chủ yếu tập trung ở 4 nhóm chính: Gia đình ít quan tâm, lo làm kinh tế. Một số phụ huynh đi làm ăn xa, học sinh ở nhà với ông bà lớn tuổi nên việc theo dõi, giáo dục chưa chặt chẽ... Nguyên nhân thứ hai liên quan đến giáo dục của nhà trường: Công tác chủ nhiệm chưa đều tay giữa các giáo viên. Giáo viên chưa dành nhiều thời gian giáo dục đạo đức học sinh, chưa tác động nhiều đến ý thức học sinh.
Tiếp đó là từ xã hội: Do tác động của kinh tế thị trường, các mối quan hệ tiêu cực, trò chơi bạo lực trên Internet, phim ảnh... Cuối cùng từ chính bản thân học sinh. Nhiều em thích được nổi bật, được bạn bè khen với những hành động dũng cảm, do xích mích nhỏ trong quá trình học tập, vui chơi ở trường…
Để phòng, chống bạo lực học đường, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đông Sơn đã phối hợp với công an xã, công an thành phố Tam Điệp tổ chức tuyên truyền dưới cờ cho học sinh, nhất là những trò cá biệt, em có nguy cơ vi phạm nội quy, pháp luật, có hành vi bạo lực đối với học sinh khác. Trường kịp thời xử lý những thành phần không tốt, lôi kéo học sinh vào con đường vi phạm pháp luật, có hành vi bạo lực trong và ngoài trường.
Ngoài ra, nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ, gia đình để quản lý học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không bạo lực. Qua đó, tạo điều kiện để học trò, giáo viên, nhân viên tham gia thường xuyên vào các hoạt động câu lạc bộ, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa bạo lực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương; đặc biệt là công an để triển khai hoạt động phòng chống bạo lực trong trường học.
Ảnh minh họa/ INT |
Tạo sức đề kháng và khả năng phòng ngừa
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bạo lực học đường là vấn đề xã hội, liên quan đến nhiều tổ chức, đoàn thể, tầng lớp nhân dân. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết, cần đi từ tế bào nhỏ gia đình - cái nôi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
Ngôi nhà thứ hai là nhà trường, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức các môn học, thầy cô cần chú trọng việc dạy các môn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, tích cực, hạnh phúc, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn, để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè. Đặc biệt giáo viên chủ nhiệm cần gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra.
Đề xuất giải pháp vấn đề bạo lực học đường, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, cần xây dựng trường học hạnh phúc, thúc đẩy mô hình tư vấn tâm lý theo hướng tiến bộ để xây dựng nhà trường kiểu mới. Muốn học sinh hạnh phúc thì giáo viên cần được hạnh phúc. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải thay đổi cách thức quản trị, đổi mới hình thức tương tác trong nhà trường, đem lại sự thoải mái, tiến bộ và phát huy sáng tạo cho giáo viên.
TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nhìn nhận, trước hết cần tư vấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về nội dung giáo dục phòng ngừa và trực tiếp tham gia hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường. Các thầy cô phải thường xuyên nắm được tâm lý của học sinh thông qua phiếu điều tra khảo sát, dự giờ để đề xuất với hiệu trưởng có biện pháp giáo dục, hoạt động hướng học sinh đến những điều tích cực.
“Thầy, cô phải tổ chức hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống theo chương trình, sách giáo khoa mà Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm xây dựng do chuyên gia tâm lý hướng dẫn và chủ biên, được Hội Tâm lý học Việt Nam thông qua, giúp cho học sinh tạo sức đề kháng và khả năng phòng ngừa cao. Khi học giá trị sống, kỹ năng sống, tự thân trò tránh được các tác động xấu ở bên ngoài” - TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, giáo viên cần gắn bó với học sinh, sẵn sàng trả lời khi các em gặp khó khăn, cảm thấy cô đơn, áp lực và không chia sẻ được với gia đình... Các thầy cô giáo tâm lý thân thiện, vui vẻ hàng ngày lên lớp dạy môn Giá trị sống nên rất gần gũi với học trò. Vì vậy, tạo dựng được sự tin tưởng của học sinh; qua đó giải quyết được khoảng 90% trường hợp học sinh cần tư vấn tâm lý.