Ngăn chặn bạo lực học đường, cách nào?

GD&TĐ - Tình trạng bạo lực học đường là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, thầy, cô giáo và nhà trường và xã hội thời gian gần đây. Cần có giải pháp để ngăn chặn thực trạng này là mong muốn của nhiều người.

Ngăn chặn bạo lực học đường cần có nhiều biện pháp đồng bộ. Ảnh minh hoạ/Internet
Ngăn chặn bạo lực học đường cần có nhiều biện pháp đồng bộ. Ảnh minh hoạ/Internet

Nhận diện nguyên nhân

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – nhìn nhận: Nguyên nhân của bạo lực học đường, trước hết xuất phát từ  bản thân học sinh. Học sinh THCS, THPT (từ 12 đến 17 tuổi) có tâm lý không ổn định, cái tôi cá nhân quá cao nhưng không biết sử dụng đúng cách. Vì vậy, chỉ cần những tác động xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học và làm theo.

Từ góc độ gia đình, theo TS Ngô Xuân Hiếu, phụ huynh ít quan tâm tới con cái, hoặc phụ huynh bị stress và xả stress bằng bạo hành lên chính con cái của mình.

Chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Cùng với đó, hiện nay học sinh cũng tiếp xúc dễ dàng với những hành vi bạo lực trên Internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực….

“Vai trò người thầy rất quan trọng. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, song mối quan hệ thầy trò mang tính quyết định cho an toàn tâm lý và hạnh phúc của học sinh khi đến trường”- TS Hoàng Trung Học nói.

Cho rằng, việc trừng phạt, bạo hành trẻ em là hành vi bị cấm theo luật, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - nhấn mạnh: Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, bạo hành sẽ không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Một đứa trẻ chỉ phát triển bình thường nếu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu thương và được tự do trong môi trường giáo dục của mình.

Trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi. Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau. 

Theo TS Hoàng Trung Học, an toàn với học sinh luôn cần có sự song hành cả 2 mặt về thể lý và tâm lý. Quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ này cần được xây dựng và vận hành trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm cao của cả thầy và trò.

Phòng chống bạo lực học đường cần kết hợp từ nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh minh hoạ/internet
Phòng chống bạo lực học đường cần kết hợp từ nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh minh hoạ/internet

Cần kết hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, TS Ngô Xuân Hiếu khuyến nghị: Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành với các em; từ đó kịp thời uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.

Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực.

Trong xử lý các vụ việc bạo lực học đường cần có cái nhìn bao dung với sai phạm trong lứa tuổi học trò để có phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để các em vi phạm hiểu và sửa đổi.

Cũng theo TS Ngô Xuân Hiếu, nhà trường cần chú trọng trong việc trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường.

“Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái. Lâu nay, chúng ta chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ việc con em mình nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè. Cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con cái, tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ỷ lại, dựa dẫm và hưởng thụ” - TS Ngô Xuân Hiếu chia sẻ, đồng thời khuyến nghị:

Chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể hay lực lượng công an cần phối hợp chặt chẽ cùng với nhà trường và gia đình đẩy lùi bạo lực học đường.

Trong tham luận tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 "Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo", giảng viên Nguyễn Xuân Đức, Trường ĐH Vinh – cho rằng: Cần tiếp tục xây dựng chuẩn mực văn hoá học đường.

Chuẩn mực này đã hình thành, tồn tại từ xưa đến nay trong môi trường học đường và cả trong quan niệm xã hội. Tạo dựng môi trường văn hoá học đường lành mạnh là cần thiết và quan trọng để xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, tiên tiến.

Theo giảng viên Nguyễn Xuân Đức, văn hoá học đường hình thành trong nhà trường trên cơ sở đạo lý truyền thống của dân tộc và là một bộ phận của văn hoá dân tộc. Văn hoá học đường hình thành, đào thải, tích luỹ… trong suốt quá trình phát triển nền giáo dục dân tộc, cũng là cơ sở để hình thành nền văn hoá của con người khi trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.